Nhân vật thứ hai mà Coach For Life tìm đến trong chuỗi bài #CoachTalk là Coach Lệ Hằng – Học viện khoá K6 chương trình đào tạo 60h Khai vấn dành cho lãnh đạo và Coach chuyên nghiệp và tiếp đó là học viên chương trình Mentor Coach K3.
Sau khi hoàn thành khóa Mentor Coach, Coach Lệ Hằng trở thành một Coach Liên Kết (Associate Coach) của Coach For Life. Nhìn vào từng bước đi vững chắc của Coach Lệ Hằng trên hành trình làm Coach trong một năm trở lại đây, không nhiều người nghĩ rằng tại thời điểm bắt đầu, chị học coach chỉ vì muốn phát triển bản thân, chứ không hề có ý định “học coach để làm coach”.
Vậy điều gì khiến Coach Lệ Hằng đi bền và đi sâu với nghề đến thế? Mời bạn cùng lắng nghe những chia sẻ rất thành thật của Coach Lệ Hằng trong buổi trò chuyện cùng Coach For Life.
1, “Càng thực hành coach mới càng thấy ý nghĩa của công việc này”
Chị đã đến với coach như thế nào?
Thực ra tôi biết đến nghề coach từ khoảng năm 2012, nhưng lúc đó, tôi chỉ biết là có một nghề coach như vậy thôi, cũng không hiểu cụ thể làm coach là làm gì. Đến năm 2019, tôi có một buổi coach trải nghiệm với chị Quách Hương, từ đó có một cái nhìn sơ bộ về vai trò, ý nghĩa của công việc này. Nhưng phải đến năm 2020, khi trong tôi bắt đầu có khao khát được học thêm một điều gì đó mới mẻ, tôi mới quyết định sẽ học coach, với mục đích lớn nhất là phát triển bản thân, chứ không hề nghĩ đến chuyện học coach để làm coach. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình đi học coach để phát triển chính mình, từ đó phát triển đội ngũ nhân viên mà mình đang quản lý.
Thế nhưng, trong quá trình học Coach, từ chương trình đào tạo 60h đầu tiên, học viên đã được hướng dẫn, khuyến khích và yêu cầu thực hành coaching rất nhiều. Càng học, càng thực hành, tôi lại càng thấy ý nghĩa lớn lao của công việc này. Nhờ học coach, tôi đi sâu và hiểu rõ chính bản thân mình, sau đó lại giúp đỡ được nhiều khách hàng vượt qua những trăn trở, khó khăn trong cuộc sống của họ. Trước đây học MBA, tôi đã biết rằng mình rất thích làm việc với con người, giúp mọi người phát triển. Hồi đó tôi cứ lăn tăn mãi rằng mình không có kinh nghiệm làm HR, giờ làm sao có thể bắt đầu với một ngành hoàn toàn mới. Học coach rồi, tôi mới nhận ra rằng, thực ra bản thân việc làm quản lý hiện tại cũng chính là làm việc với con người, và kể cả có làm coach chuyên nghiệp hay không, coaching vẫn là một kỹ năng cực kỳ có giá trị với công việc quản lý của mình.
Trước và sau khi học coach, chị nhận thấy bản thân có những thay đổi gì?
Thay đổi lớn nhất chắc chắn là bản thân mình. Nhờ học coach, tôi nhận ra giá trị bản thân, giá trị công việc mình muốn theo đuổi. Đó là kim chỉ nam rõ ràng, đặt nền móng vững chắc cho chặng đường mà tôi đang đi. Khi học coach, tôi nhận thấy bản thân phát triển rất nhiều mặt. Tôi học được cách lắng nghe không phán xét, cách đặt lòng tin tưởng vào người khác, cách yêu thương, bao dung và thấu hiểu nhiều hơn. Chỉ có sự yêu thương chân thành, mình mới có thể tin tưởng và cầu mong coachee của mình đạt được mục tiêu của họ, giải quyết những vấn đề họ đang trăn trở. Thậm chí, nhiều khi tôi thấy mình còn mong mỏi điều đó hơn cả khách hàng. Tất cả những điều này giúp đem đến cho tôi một nguồn năng lượng tích cực để chuyển hoá chính mình, sau đó giúp những người xung quanh chuyển hoá.
Coaching cũng giúp tôi thay đổi cách tương tác, hành xử và giao tiếp với những người xung quanh, không còn lúc nào cũng thường trực đưa ra lời khuyên cho người khác. Thực ra không phải vì mình không muốn khuyên đâu, mà bởi vì nếu chỉ cần khuyên bảo thôi thì việc đó dễ quá, vì chỉ cần nói những điều mình biết cho họ thôi mà. Còn với coach, tôi phải nghĩ xem làm thế nào để chỉ cần đặt câu hỏi, họ sẽ tự hiểu ra vấn đề và biết phải làm gì tiếp theo. Chuyện đó mới là khó. Thay vì dạy dỗ khuyên bảo, người làm coach mang trong mình sự tò mò tôn trọng về vấn đề của coachee, về câu chuyện của họ. Khi tò mò thì mình hỏi, logic nó chỉ đơn giản vậy thôi.
Sau một thời gian học và thực hành coach, kỹ năng coaching đã trở thành một phần của bản thân tôi. Không phải cứ vào phiên coach thì mới bắt đầu coach, kỹ năng ấy có thể áp dụng vào hầu hết mọi tình huống trong cuộc sống. Khi một người bạn, một người thân, một cấp dưới chia sẻ vấn đề của họ, mình sẽ không đưa ra quan điểm cá nhân ngay lập tức, mà bình tĩnh nghe họ chia sẻ, rồi đặt câu hỏi để họ tự “gỡ rối” cho chính mình.
2, Một phiên coach không thành công là phiên coach tôi đưa ra lời khuyên cho khách hàng
Theo chị, thế nào là một phiên coach không thành công?
Với tôi, một phiên coach không thành công là phiên coach mà tôi đưa ra lời khuyên cho khách hàng. Mình khuyên họ và họ nghe theo, chứ bản thân họ không tự khai mở được những vấn đề của mình, không có bất cứ nhận thức nào mới mẻ. Khi bản thân họ không tự nhận thức được vấn đề, họ sẽ không có được những hành động cụ thể để thay đổi. Thật ra với cá nhân tôi, tôi không kỳ vọng rằng sau mỗi phiên coach, coachee phải có những bước tiến thật dài, những thay đổi thật lớn, mọi chuyện đâu có dễ dàng đến vậy. Đôi khi, thành công chỉ đơn giản là họ có thêm một nhận thức gì đó mới, một góc nhìn mới về một vấn đề mà họ vốn đã trăn trở rất lâu. Vì vậy, khi mình không thể giúp khách hàng khai mở được một nhận thức mới, tôi sẽ đánh giá đó là một phiên coach thất bại.
Một phiên coach/ hoặc một coachee để lại cho chị nhiều cảm xúc nhất?
Mỗi một phiên coach, tôi lại có một trải nghiệm, một cảm xúc khác nhau. Thế nhưng, cảm xúc của tôi đong đầy vào những phiên coach mà coachee là những người nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm. Điểm chung của nhóm khách hàng này là họ đều trải qua sự khai mở nhận thức một cách mạnh mẽ trong thời gian làm việc cùng tôi. Họ rất giỏi chuyên môn, quản lý những doanh nghiệp lớn, nhưng lại dễ bị vướng mắc ở những vấn đề cá nhân, ở những mối quan hệ hay ở cách cân bằng công việc – cuộc sống khi quá bận rộn. Họ đều là những người giàu trải nghiệm, chỉ cần mình lắng nghe và đặt những câu hỏi phù hợp, họ sẽ nhanh chóng nhận ra vấn đề và có những thay đổi lớn trong cuộc sống. Đó là nhóm đối tượng mà tôi có nhiều kết nối nhất.
Tôi từng có một anh coachee rất giỏi, rất tự tin, tìm đến tôi với một tâm thế là “Thử xem cái Hằng nó coach như thế nào”, bởi anh ấy đã từng có trải nghiệm không mấy tích cực với hai người coach trước đó. Chỉ sau một vài phiên coach, anh ấy đã có rất nhiều sự thay đổi, từ mindset đến hành động. Gần đây tôi cũng coach cho một bạn về giá trị cốt lõi của bản thân. Sau một bài buổi, bạn nhận diện được rõ những giá trị tốt đẹp trong mình, những điều mà lúc trước bạn chỉ nhận biết được lờ mờ, thậm chí còn không tin rằng mình có giá trị gì đẹp đẽ. Những phiên coach như vậy luôn để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc.
3, Hơn ai hết, Coach cũng cần được Coach
Được biết sau khi học chương trình 60h, chị đã tham gia tiếp chương trình Mentor Coach. Chương trình này có giúp ích gì trên hành trình làm Coach chuyên nghiệp của chị?
Sau khi hoàn thành khóa học 60h giờ, tôi xác định được mong muốn theo đuổi nghề Coach chuyên nghiệp. Thế nhưng, đi cùng với quyết định này là rất nhiều băn khoăn, trăn trở: mình nên lựa chọn thị trường ngách nào, liệu mình có khách hàng hay không, mình có thể phát triển sâu hơn về kỹ năng coach như thế nào… Những nỗi lo lắng này, tôi tin rằng những người mới bắt đầu làm coach đều gặp phải. Đó cũng là lý do tôi tiếp tục theo học chương trình Mentor Coach.
Trước tiên, Mentor Coach giúp tôi trang bị thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về nghề Coach, đặc biệt là những phương pháp và công cụ coaching. Mình đã nắm rõ những lý thuyết coaching cơ bản rồi, nhưng khi đi vào thực hành, có rất nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện phiên coach. Không đơn thuần là đặt câu hỏi, tôi được học cách đặt câu hỏi có trình tự, có chiến lược, tùy vào từng khách hàng để việc đặt câu hỏi của mình được hiệu quả nhất. Chất lượng các phiên coach của tôi được nâng cao rõ ràng nhờ những kiến thức này.
Thứ hai, mọi chương trình của CFL trước nay vẫn luôn tập trung phát triển con người từ bên trong, Mentor Coach cũng không nằm ngoài triết lý ấy. Trong suốt 6 tháng tham gia chương trình, tôi được hướng dẫn phương pháp nhận biết, kiểm soát và quản lý cảm xúc của bản thân. Khi mình có sự vững vàng nội tại, mình mới có thể lan tỏa điều đó đến coachee của mình. Ở một cấp độ cao hơn, khi đã làm chủ được cảm xúc, tôi nhận thấy mức năng lượng của mình cũng ổn định và tích cực hơn, các mối quan hệ xung quanh được cải thiện rõ ràng. Đồng thời, nhờ chương trình này, tôi cũng hiểu hơn về tầm quan trọng của việc thi lấy chứng chỉ ACC, cách thức thi như thế nào và nên chú ý điều gì. Các bạn học cùng khoá Mentor Coach cũng cùng đặt mục tiêu thi lấy chứng chỉ, cùng chia sẻ kinh nghiệm và hối thúc nhau đi lên. Đến nay, tôi cũng đã đang đi đến những bước cuối cùng để hoàn thành bộ hồ sơ thi ACC, rất mong sớm đạt được mục tiêu này trong thời gian tới.
Giữa giai đoạn mông lung với định hướng làm Coach chuyên nghiệp, chương trình Mentor Coach cho tôi rất nhiều giá trị. Mình vừa có các anh chị coach nhiều kinh nghiệm mentor, dẫn dắt đường đi nước bước. Mình vừa có những người bạn đồng chí hướng để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn và cùng nhau cố gắng. Mình vừa được cung cấp rất nhiều kiến thức, công cụ chuyên sâu để làm nghề tốt hơn.
Trong rất nhiều giá trị đó, đâu là điều khiến chị tâm đắc nhất?
Những công cụ kiến thức từ Mentor Coach, tôi gần như áp dụng được hết vào công việc làm coach sau này. Nhưng điều tâm đắc nhất có lẽ là mindset: để coach một người, mình phải xuất phát từ việc giúp họ mạnh mẽ từ bên trong. Khi đồng hành cùng coachee trong khoảng từ 3 đến 6 tháng, ta cần có lộ trình rõ ràng, về mục đích cho từng phiên coach. Để họ đạt được những mục tiêu dài hạn, ta không nên “nhảy” thẳng vào mục tiêu ấy ngay lập tức. Thay vào đó, coach cần đồng hành để coachee hiểu chính bản thân mình, hiểu về điểm mạnh, điểm yếu, học được cách quản lý chính mình, từ đó họ mới có thể chuyển đổi.
Cũng từ tư duy này, tôi xây dựng được gói life coach của mình với những nội dung như: xác định giá trị cốt lõi; học cách quản lý cảm xúc; duy trì động lực; vượt qua những niềm tin giới hạn; xây dựng lối sống tích cực… Khi họ có những kỹ năng này, họ hiểu chính mình và có sự vững vàng từ bên trong. Và khi đó, việc hướng đến những mục tiêu cụ thể khác sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Đôi khi, vì họ đã mạnh mẽ rồi, nhiều vấn đề tưởng như rất khó khăn lại có thể giải quyết dễ dàng.
Theo chị, để một người coach thành công và sống tốt với nghề, họ sẽ cần những yếu tố nào?
Để sống tốt với nghề coach, chắc chắn yếu tố đầu tiên là năng lực chuyên môn. Nghề coach là nghề làm việc với con người, nếu như bản thân người coach không giỏi, không vững vàng về kỹ năng coaching, sẽ rất khó để thực sự đem lại giá trị cho người khác. Đây có lẽ cũng là lý do mà những người coach giỏi mà tôi biết, ai cũng rất ham học hỏi, không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn. Giỏi ở đây bao hàm rất nhiều yếu tố: giỏi về phương pháp coaching, về kiến thức chuyên môn, về việc thấu hiểu và quản lý chính bản thân mình. Một thông điệp mà tôi rất thích từ chương trình Mentor Coach là: “Điều khác biệt lớn nhất giữa một coach giỏi và một coach tuyệt vời là họ sống đúng với những điều họ nói”.
Yếu tố thứ hai là kế hoạch để làm business. Chúng ta đều công nhận với nhau rằng, nghề coach là một công việc nhân văn và giàu ý nghĩa. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì nếu như chúng ta không thể tự nuôi sống bản thân mình từ công việc này? Đôi khi, đam mê của mình có thể bị cản trở bởi câu chuyện cơm áo gạo tiền, và điều đó rất đáng tiếc. Khi làm coach, cái mình bán là chính trí tuệ của mình, năng lực của mình, chuyên môn của mình. Bạn sẽ cần thời gian để xây dựng hình ảnh cá nhân, để tạo ra sự tin tưởng trong tập khách hàng tiềm năng về chuyên môn của bạn, cần xác định thị trường ngách phù hợp, cần xây dựng những gói dịch vụ coaching đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Những điều này cần nhiều trải nghiệm và chiêm nghiệm, cần thời gian và sự chuẩn bị kỹ càng.
Và cuối cùng, tôi mới muốn nói đến đam mê. Hành trình này sẽ lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm, đó là chuyện rất bình thường. Đam mê sẽ là dòng chảy bền bỉ để giúp mình đi tiếp, để không bỏ cuộc quá sớm, để không ngừng học và phát triển bản thân. Tại thời điểm hiện tại, thu nhập từ công việc coach của tôi vẫn chưa quá cao, nhưng tôi hiểu rõ mình đang ở đâu và sẽ cần làm gì tiếp. Có sẽ sẽ cần đến 1-2 năm nữa, nhưng tôi tôn trọng tiến trình của mình và tin tưởng rằng bản thân luôn đủ đam mê để đi đến cùng.
Cảm ơn Coach Lệ Hằng về những chia sẻ thú vị vừa rồi. Coach For Life chúc bạn luôn vững vàng và tiếp tục lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp.
Commentaires