top of page

Ba bài học từ quản lý lãnh đạo 9x

Đã cập nhật: 22 thg 7

Bài viết đã được đăng lần đầu tại CafeBiz Đã không ít lần tôi nghe được nhưng câu nhận xét về việc các bạn trẻ nhảy việc, về khả năng thích nghi kém, về cái tôi và mong muốn sự thoải mái v.v. Bản thân là một người đã từng có những thách thức trong việc nuôi dạy Gen Z; đã từng lúng túng và đôi lúc hoang mang vì những kỹ năng quản lý lãnh đạo mà mình đã từng được học, từng áp dụng cả trong nước và quốc tế, dường như không phát huy tác dụng đối với nhóm nhân viên trẻ Gen Z. Tôi cũng từng nghĩ mình chỉ hợp coach những quản lý lãnh đạo có kinh nghiệm và đâu đó cùng thế hệ của mình thì vì mình hiểu họ và có cùng một hệ tư tưởng… Nhưng với tư cách là của một người làm quản lý lãnh đạo trong nhiều năm, được đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh và hiện là Chuyên gia Khai vấn Cấp Điều hành (Executive Coach) cho nhiều tổ chức Việt Nam và đa quốc gia, tôi mong muốn bài viết này sẽ giúp cho những lãnh đạo thuộc thế hệ Gen X (65-76) trở về trước nhìn nhận được khoảng cách thế hệ trong suy nghĩ và giá trị cốt lõi. Từ đó, chúng ta có đánh giá khách quan, đúng đắn hơn về sức mạnh của thế hệ trẻ, và cuối cùng là có cách dùng người khôn ngoan, sáng suốt hơn. Trước hết, chúng ta hãy điểm qua một chút về khoảng cách thế hệ.

  • Điểm nổi bật của thế hệ Baby Boomer (46-64) trở về trước là ưa cuộc sống nhẹ nhàng, hiền hoà, bình đẳng, ngại thay đổi. Cách tiếp cận công việc truyền thống, việc nỗ lực học hỏi để có kinh nghiệm và kiến thức được coi như vũ khí, và không ai có kỳ vọng họ sẽ chia sẻ hay hướng dẫn lại cho người khác.

  • Sang đến thế hệ Gen X (65-76) thì đã có sự cởi mở hơn trong giao tiếp, nhu cầu phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp cũng mạnh mẽ hơn, việc tiếp cận thông tin và cơ hội phát triển cũng cởi mở hơn.

  • Gen Y (77-95) có thể coi là anh chị em với Gen X nhưng có sự quyết đoán, cởi mở, linh hoạt, sáng tạo và liều lĩnh hơn. Họ đồng thời có nhiều nét tương đồng với Gen Z, đặc biệt là nhóm cuối Gen Y.

Nhóm đối tượng quản lý lãnh đạo trẻ mà tôi muốn đề cập đến trong bài viết này là những bạn trẻ cuối Gen Y (sinh đầu những năm 90 trở lại đây). Tôi sẽ không dành thời gian để chia sẻ về đặc tính của nhóm này, và thay vào đó sẽ chia sẻ với các bạn 3 câu chuyện thật của mình, hi vọng có thể mang tới phần nào sự thay đổi nhận thức về các bạn trẻ nhóm cuối Y đầu Z này. Bài học 1. Từ “sống chung với lũ” đến “thấu cảm” Như bao nhiêu người có con thuộc Gen Z, tôi nhận thấy con mình khác với mình quá. Trước đây, dù có nhiều khoảng cách thế hệ trong tư duy và nhận thức, nhưng những giá trị truyền thống mà bố mẹ truyền lại cho mình được tôi, và cả thế hệ chúng tôi coi là điều đương nhiên phải theo và dễ dàng chấp nhận. Nhưng đối với con tôi thì không phải như vậy nữa, con chỉ chấp nhận khi nó thấy được thuyết phục chứ không phải vì bố mẹ nói như vậy. Nhu cầu được thể hiện mình như một cá thể độc lập, đòi hỏi phải có sự tôn trọng đối với những quyết định cá nhân kể cả việc muốn có một năm gap year để trải nghiệm trước khi vào đại học v.v. đã khiến tôi không ít lần đau đầu. Thậm chí tôi và con đã có những giai đoạn khó khăn trong giao tiếp, và cách tôi lựa chọn để vượt qua thử thách làm mẹ lúc đó là “chấp nhận” vì con mình nó cá tính! Trong quá trình làm coach, vì muốn hiểu thêm về con mình và khám phá về thế giới của các bạn trẻ, tôi đã nhận lời coach và làm việc với khá nhiều bạn trẻ cuối Y đầu Z. Nhờ công việc khai vấn, mà tôi có cơ hội tiếp cận sâu và nhận ra các bạn ấy có quá nhiều điểm mạnh ví dụ khả năng tự nghiên cứu học hỏi, tư duy độc lập, sáng tạo, tính cá nhân cao nhưng cũng rất tình cảm (một cách kín đáo). Mong muốn được thấu hiểu và nhu cầu khám phá bản thân của các bạn rất lớn. Khát khao được thể hiện bản thân và trải nghiệm có thể bị định nghĩa là vô trách nhiệm, đơn giản là vì nó đang được đánh giá bằng những tiêu chí và thước đo hoàn toàn khác của thế hệ trước. Bạn đừng ngạc nhiên khi Gen Z quan tâm rất nhiều đến sức khỏe tinh thần, lý do là vì họ nhạy cảm về mặt cảm xúc và sức chịu đựng (resilience) về mặt tâm lý yếu, chính vì vậy một hiện tượng phổ biến đối với Gen Z là cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng mọi lúc. Khi coach các bạn trẻ, tôi nhìn thấy hình ảnh của con mình trong đó, những câu chuyện tưởng chừng như cá biệt, hoá ra là lại là suy nghĩ, mô thức của cả một thế hệ. Thách thức và cũng là khát khao lớn nhất của các bạn là làm sao để được thấu hiểu, được chấp nhận, được là chính mình. Chỉ cho tới lúc đó tôi mới cảm nhận được một cách sâu sắc những gì con mình đã trải qua, thấy thương con, và thương các bạn ấy. Bài học 2. Mất tự tin & cuốn sách “Sẽ không bao giờ thành công đâu” Tôi là người luôn thích đối mặt với những thử thách trong công việc quản lý con người, và có thể nói chưa từng thất bại trong công việc quản lý lãnh đạo của mình. Tôi luôn thu xếp ổn thoả công việc và các mối quan hệ kể cả lần đầu tiên lên làm quản lý một bộ phận mà mình là người nhỏ tuổi nhất, hoặc khi phải quay lại làm quản lý của sếp cũ của mình. Nhưng từ khi bắt đầu thành lập Coach For Life (CFL), tôi thấy thất vọng khi các bạn nhân viên của tôi (đều là những bạn trẻ có thể nói là giỏi hoặc rất giỏi và có tình cảm) nhưng đều không gắn bó lâu với mình. Tôi cảm thấy hoang mang và tự hỏi nhu cầu của các bạn ấy là gì? Kiểu quản lý lãnh đạo nào sẽ phù hợp với thế hệ trẻ này? Tôi chỉ cảm nhận một cách rõ rệt, môi trường kinh doanh đã thay đổi, thế giới đã thay đổi, một lực lượng lao động với những nhu cầu hoàn toàn thay đổi thì chắc chắn sẽ đòi hỏi những mô hình, phương thức quản lý, phát triển con người mới nhưng tôi chưa biết nó là gì! “Người ta muốn được đối xử như những người trưởng thành. Họ muốn có một sứ mệnh mà bản thân họ tin tưởng, một vấn đề để giải quyết và không gian để giải quyết vấn đề đó. Họ muốn được bao quanh bởi những người trưởng thành khác sở hữu năng lực mà họ tôn trọng” “Cái họ thực sự muốn là chính là TỰ DO và TRÁCH NHIỆM. Họ muốn được quản lý theo kiểu lạt mềm buộc chặt” – Đây chính là triết lý về quản lý con người mà tôi tìm được trong cuốn sách “Sẽ không bao giờ thành công đâu” của Tác giả, Nhà đồng sáng lập, CEO đầu tiên của NetFlix, Marc Randolph. Tôi rất biết, triết lý này sẽ không thể áp dụng được cho tất cả mọi công ty, vì để có thể cho nhân sự mình một môi trường, một sứ mệnh mà họ tin tưởng thì bản thân công ty đó cũng phải sống và tin tưởng vào ý nghĩa, mục đích, sứ mệnh của mình trước đã. Ở Coach For Life (CFL) ,chúng tôi đã áp dụng triết lý này theo cách tập trung vào sứ mệnh của mình, sống đúng với những giá trị mình theo đuổi, cung cấp một môi trường TỰ DO và TRÁCH NHIỆM, và điều này thu hút những bạn trẻ cùng giá trị tìm đến và gắn bó với chúng tôi. Bài học 3. Ngộ nhận về coachee lý tưởng Trong suốt một thời gian dài, tôi từng nghĩ rằng mình phù hợp để coach cho những quản lý lãnh đạo từng trải, có kinh nghiệm, nhưng gặp các vấn đề về lãnh đạo con người, hoặc có những hành vi lãnh đạo không hiệu quả mà không biết v.v. Và rồi, cũng tình cờ có những bạn CEO, Owner, Founder startup còn rất trẻ tìm tới tôi để được coach, trong quá trình đó tôi rất may mắn lại được tiếp tục khám phá về các bạn trẻ cuối Y đầu Z này. Khác với những thế hệ quản lý lãnh đạo Gen X trở về trước, các bạn không có cái tôi quá lớn để sợ sai, sợ thất bại, trái lại thất bại đối với họ đơn giản chỉ là bài học hoặc phép thử để tiến tới thành công. Đằng sau cái vẻ bề ngoài có vẻ bất cần, thậm chí đôi khi rất khác người là những giá trị hướng tới gia đình, sự cân bằng, tạo ra giá trị cho người khác. Khát khao trải nghiệm và học hỏi của các bạn lớn đến mức các bạn tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi và luôn thấy mình có nhiều thứ cần phải học, tự mình tạo ra những cộng đồng cùng chí hướng (like-minded group) để cùng học hỏi và phát triển. Và một đặc điểm nổi bật của nhóm lãnh đạo trẻ này là các bạn luôn sẵn sàng chia sẻ, và chia ngay cả khi mình mới học được. Điểm yếu của các bạn nằm ở chỗ thiếu kinh nghiệm, đôi khi quá nóng vội, quá tin vào lý thuyết và bỏ qua những bài học kinh nghiệm của thế hệ trước (điều này dường như cũng đúng với cả thế hệ cũ). Kỹ năng dẫn dắt con người và phát triển con người, cũng như thấu hiểu và làm chủ chính bản thân mình là một thách thức chung của các lãnh đạo trẻ này. Quá trình làm việc với các bạn trẻ đã khiến tôi thay đổi tư duy về Coachee lý tưởng của mình, đó không phải là coachee “giống” mình, mà là coachee cởi mở để khám phá, học hỏi và hành động quyết liệt để thay đổi. BÀI HỌC CHO CÁC QUẢN LÝ LÃNH ĐẠO Tôi có một người bạn là người sống trong gia đình có anh, chị, họ hàng là những nghệ sĩ thành danh và khá nổi tiếng, nhưng bản thân bạn thì không làm gì liên quan đến nghệ thuật. Một hôm bạn được hỏi “Khi được sinh ra và lớn lên trong một môi trường nghệ thuật như thế bạn cảm thấy thế nào?”. Bạn tôi trả lời: “Điều tôi thấy mình may mắn nhất khi sống trong một môi trường nghệ thuật là tôi hoàn toàn không bị phán xét, được tự do phát triển và thể hiện bản thân theo cách tôi muốn”. Nếu chúng ta nhìn một ai đó khác mình, mà không phán xét họ, thay vào đó là chấp nhận và tò mò để khám phá họ thì đó thực sự đã là một món quà rồi. Sau tất cả, tôi nhận ra việc đánh giá, phán xét các bạn trẻ dưới lăng kính kinh nghiệm, giá trị của một thế hệ đi trước là điều vô cùng nguy hiểm. Không thể dùng vẻ bề ngoài làm tiêu chí kết luận tính cách hay đạo đức bên trong. Câu nói: “Ngày xưa mình thế này mà bây giờ chúng nó thế kia…” không nên là một câu cửa miệng. Chúng ta có lẽ nên nói “Ngày xưa mình thế, bây giờ bọn trẻ đã khác…”!

—–

Nếu các bạn quan tâm, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm phiên coach 1-1 cho các quản lý lãnh đạo của CFL tại đây: https://coachforlife.vn/dang-ky-trai-nghiem-khai-van/

36 lượt xem

Comments


bottom of page