Chúng ta thường giúp các quản lý lãnh đạo phát triển hơn bằng cách cung cấp/hướng dẫn họ hàng loạt kỹ năng, công cụ, phương pháp, quy trình. Thế nhưng, phần nhiều trong số đó không thể truyền cảm hứng cho những thay đổi mang tính nền tảng, sâu sắc và lâu bền. Bởi một trong những khía cạnh nền tảng & quan trọng nhất giúp quản lý lãnh đạo phát triển chính là sự tự nhận thức về bản thân - Self-awareness.
Mục lục
>> Ebook: 12 Tình huống ứng dụng Coaching trong doanh nghiệp <<
Self-awareness là gì và tại nó lại quan trọng đến thế?
Khi có sự tự nhận thức về bản thân, bạn sẽ nhìn nhận được suy nghĩ, cảm xúc, những mô thức quen thuộc và phản ứng có điều kiện một cách khách quan. Ừ đó, bạn có khả năng hiện diện, trở nên sáng suốt, cảm thông, trung thực, tò mò, và bắt đầu có sự chuyển hoá.
Nhận thức tự thân càng cao, khả năng điều chỉnh hành vi dựa trên những giá trị tích cực càng lớn. Ngược lại, càng ít nhận thức về bản thân, chúng ta càng phải chịu sự điều chỉnh của những niềm tin giả định một cách vô thức, đi theo lối mòn của các khuôn mẫu hành vi cũ kỹ, đẩy bản thân xa rời với những tiềm năng hiện có của mình.
Có thể ở thời thơ ấu, chúng ta tự nhận định giá trị bản thân bằng những gì người khác nghĩ về mình. Khi lớn lên, nếu tiếp tục giữ lại những tư tưởng này, chắc chắn chúng ta sẽ dần mất đi kết nối với giá trị cốt lõi thực sự mình đang có, và trở nên lạc lõng ngay trong chính mình. Có thể bạn sẽ vướng vào hội chứng kẻ mạo danh - một thứ cảm giác mà bạn luôn thấy bản thân kém cỏi hơn những người xung quanh, không tin tưởng vào khả năng thành công của mình. Đó là lý do tại sao hành trình nhận thức bản thân và xác thực những giá trị cốt lõi là rất hữu ích nhưng cũng là một thách thức lớn. Đó là cuộc hành trình từ quá khứ đến hiện tại, đưa chúng ta trở về với chính mình ở đây, ngay lúc này.
Với các nhà lãnh đạo, nhận thức tự thân chính là ngọn hải đăng soi đường cho hành trình phát triển của chính họ và tạo một không gian an toàn cho những người xung quanh. Thay vì phủ nhận lỗi lầm, họ thành thật với chính bản thân và cả người khác. Họ thích thú, thậm chí phấn khích khi nhìn thấy những hành vi không hiệu quả ở bản thân. Thay vì biện minh, phớt lờ, họ can đảm thừa thận và đào sâu tìm hiểu, đặt ra những câu hỏi tại sao, bằng cách nào, để đạt được nguyện vọng của mình. Điều này giúp họ có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân, từ đó có những lựa chọn khôn ngoan hơn. Bằng cách này, họ cũng mang lại cho người khác sự an toàn và định hướng những hành vi tương tự cho đội ngũ của mình.
Các lãnh đạo trên thế giới nói gì về self-awareness/tự nhận thức bản thân?
Paul Spittle, Giám đốc Thương mại của General Medicines tại hãng dược phẩm sinh học Sanofi (Pháp) đã giải thích về mối quan hệ giữa nhận thức tự thân và sự phát triển của người lãnh đạo như sau: Việc phát triển sự nhận thức về bản thân cho phép bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của mình. Đầu tiên, bạn cho phép bản thân chấp nhận những suy nghĩ, hành vi chưa đúng. Sau đó, đặt ra câu hỏi: ‘Tôi phải làm gì với nó? Làm thế nào để tôi thay đổi nó?’. Chúng ta luôn có khả năng phủ nhận những hành vi tồi tệ nhất của mình một cách đáng kinh ngạc. Nhưng nếu không thể đối mặt với chính mình, chúng ta sẽ không thể tiếp nhận chúng, cũng như không thể có giải pháp để khắc phục, thay đổi hay phát triển”.
Đồng nghiệp của Paul, Kevin Callanan, Phó chủ tịch cấp cao của Sanofi nói thêm: “Đối với tôi, đây là việc mình có thể dừng lại, xem xét các tình huống, nhận định cảm xúc của mình. Càng xem xét nhiều, tôi càng có thể tách biệt cái tôi của bản thân, những mong muốn rất cá nhân với mong muốn của tổ chức. Nhờ đó, tôi có thể đưa ra những quyết định rõ ràng, sáng suốt hơn. Tôi cũng thấy nội tâm mình bình an hơn, và có nhiều sự đồng cảm hơn với người khác”.
“Đó không phải là việc dễ dàng, đặc biệt là với một người như tôi - một kẻ luôn khao khát hành động và được đáp lại. Vì vậy, trong tôi luôn có hai luồng tư tưởng đấu tranh. Tôi phải liên tục kiềm hãm bản tính mong muốn hành động ngay lập tức để chậm lại, cân nhắc và hành động có ý thức hơn”.
Chuyên gia lãnh đạo John C.Maxwell từng chia sẻ: “Năm đầu tiên tham gia vào quá trình phát triển bản thân một cách có chủ đích, tôi đã phát hiện ra nó là một quá trình cả đời. Vì thế, thay vì hỏi “Mình cần bao lâu để phát triển nhận thức bản thân?” tôi đã tự hỏi “Liệu mình có thể đi được bao xa?”. Việc thấu hiểu và phát triển bản thân không nằm trong một khóa học, đó là hành trình bạn cần phải học và thực hành suốt đời.
“Năm đầu tiên tham gia vào quá trình phát triển bản thân một cách có chủ đích, tôi đã phát hiện ra nó là một quá trình cả đời. Vì thế, thay vì hỏi “Mình cần bao lâu để phát triển nhận thức bản thân?” tôi đã tự hỏi “Liệu mình có thể đi được bao xa?” (Chuyên gia lãnh đạo John C.Maxwell)
Tầm quan trọng của sự tò mò và lòng trắc ẩn trong hành trình tự nhận thức bản thân
Việc trau dồi nhân thức tự thân chắc chắn sẽ khơi gợi mức độ trung thực sâu sắc với bản thân. Nếu trước đây, chúng ta luôn phủ nhận hoặc thậm chí không biết đến sự tồn tại của cảm xúc và hành vi đang có, thì giờ đây, ta bắt đầu thấy rõ ràng những suy nghĩ, giả định, cảm xúc và hành vi của chính mình. Nhưng khi phát hiện ra, chúng ta lại có một phản ứng phổ biến là tự phán xét và khiển trách chính mình. Khi đó, chúng ta cần đến hai công cụ quan trọng để phát triển chiều dọc: Sự tò mò và lòng trắc ẩn.
Làm sao có thể có cái nhìn sâu sắc và mới mẻ nếu không có sự tò mò? Nhà tâm lý học chuyên sâu AH Almaas đã giảng giải: “Nếu không có lòng trắc ẩn cũng như sự an toàn về mặt cảm xúc, chúng ta rất dễ đánh mất hứng thú trong việc khám phá ra sự thật, những khó khăn mà bản thân cần giải quyết. Khi đó, chúng ta nhanh chóng quay trở lại với cơ chế cũ, phủ nhận, trách móc bản thân hoặc thậm chí là đổ lỗi cho người khác”.
Đó là lý do vì sao chúng ta nên và cần có sự tò mò, khuyến khích lòng trắc ẩn, cảm thông trong chính mình. Lòng trắc ẩn cho ta cảm giác an toàn tự thân. Khi tâm trí cảm thấy an toàn, trí tò mò được kích hoạt, ta sẽ bắt đầu hướng ra tìm hiểu và sự sáng suốt bắt đầu mở lối. Lòng trắc ẩn và sự tò mò cũng cho phép chúng ta mạnh dạn thử làm những điều mới hơn, sẵn sàng vấp ngã, biết nắm bắt cơ hội để thử nghiệm, học hỏi và trưởng thành hơn. Khi đủ trắc ẩn và tò mò, tâm trí bạn sẽ không còn chỗ cho những lời chỉ trích nội tâm theo mô thức cũ.
Chuyên gia về lòng trắc ẩn Kristin Neff, đồng sáng lập Trung tâm Lòng trắc ẩn và là tác giả sách “Self-Compassion: The Proven Power of Kind to Yourself” khẳng định rằng: “Lòng trắc ẩn là cách lành mạnh để chúng ta đối phó với nỗi đau của cuộc đời. Theo định nghĩa, lòng trắc ẩn không có nhược điểm”
Margaret Dean, tại Novartis Oncology đã chia sẻ: “Tôi đã từng cảm thấy xấu hổ và khó khăn khi vướng phải những mô thức kiểm soát các thành viên trong đội nhóm của mình. Và Chánh niệm đã giúp tôi dừng lại mô thức này”.
Cô ấy nói “Khi tự trách móc bản thân, tôi thấy mọi thứ chỉ đang tồi tệ hơn. Tôi chỉ muốn dội nước vào chính mình để cuốn trôi tất cả cảm giác xấu hổ đó. Tôi cũng liên tục tự vấn rằng ‘Tại sao mình lại làm như vậy? Tại sao tôi không nhận ra điều đó cơ chứ? Nhưng tôi cũng biết rằng, đó là một phần phản ứng của con người. Tất cả chúng ta đều luôn phải cố gắng đấu tranh với chính mình trong một thời gian. Rồi tôi sẽ có thể nhẹ nhàng hơn, bình tĩnh hơn để nhận thấy hành vi của mình nếu tiếp tục nuôi dưỡng sự tò mò, đặt ra những câu hỏi thay vì xấu hổ và phán xét bản thân.
Với đội nhóm, sự an toàn tâm lý cũng rất quan trọng để tạo sự tin tưởng, gắn kết và thúc đẩy sự đổi mới. Các nhà lãnh đạo học cách nuôi dưỡng sự cảm thông cho bản thân trước. Sau đó, họ trở nên quan tâm và cảm thông hơn với đội nhóm của họ, với những người xung quanh.
Từ sự nhận thức về bản thân, đến việc trở thành một lãnh đạo tỉnh thức
Michael Bunting - tác giả cuốn sách Mindful Leader (Lãnh đạo tỉnh thức) và cuốn Hướng dẫn thực hành về thiền định trong chánh niệm đã thực hiện nhiều nghiên cứu trong những năm qua và phát hiện ra rằng, tỷ lệ gắn kết được tính bởi các nhà lãnh đạo tỉnh thức lên đến 40,16%. Điều này có nghĩa là cứ 10 lãnh đạo thực hành phương pháp lãnh đạo tỉnh thức, thì có đến 4 lãnh đạo đã đạt được sự gắn kết nhiều hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ⅓ sức khỏe tinh thần của nhân viên chịu ảnh hưởng bởi hành vi của người lãnh đạo. Vì vậy, khi nhà lãnh đạo cải thiện khả năng tự nhận thức bản thân và lãnh đạo trong tỉnh thức, họ không chỉ làm tăng sự gắn kết mà còn giúp hỗ trợ nâng cao sức khỏe tinh thần cho các thành viên trong đội nhóm.
“Lãnh đạo tỉnh thức” (Mindful Leaders) hiểu đơn giản là những lãnh đạo thực hành chánh niệm, hướng tới phát triển khả năng tự nhận thức cao về bản thân, làm chủ suy nghĩ, chế ngự cảm xúc, từ đó có thể trở thành người dẫn dắt, người đồng hành với nhân viên bằng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm.
Tại một thế giới không ngừng biến động, với một tương lai không thể dự đoán trước các nhà lãnh đạo hàng đầu mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về những gì quan trọng. Một lãnh đạo thành công buộc phải đáp ứng 4 yếu tố: tập trung và sáng suốt trong việc đưa ra quyết định; sáng tạo trong việc quản trị sự thay đổi bên trong doanh nghiệp; lòng trắc ẩn đối với khách hàng và nhân viên của họ; và sự can đảm để đi theo cách riêng mình đã chọn.
Khi làm việc với nhiều quản lý lãnh đạo, các chuyên gia khai vấn tại Coach For Life nhận ra rằng, khi quản lý lãnh đạo nâng cao sự nhận thức bản thân, họ có thể tạo ra những sự chuyển hoá mạnh mẽ bất ngờ. Và khi quản lý lãnh đạo thay đổi, đội nhóm của họ tự động có sự phát triển.
Đó cũng chính là triết lý mà Coach For Life đưa vào chương trình đào tạo Leader As Coach - Lãnh đạo bản thân - Đột phá tiềm năng đội nhóm. Đây là chương trình đào tạo dành riêng cho các quản lý và lãnh đạo mong muốn nâng cao tầm ảnh hưởng trong doanh nghiệp, cung cấp công cụ, tư duy, kiến thức giúp các lãnh đạo tạo ra ảnh hưởng đột phá trong đội nhóm và tổ chức. Bắt nguồn từ việc thấu hiểu bản thân, đến thấu hiểu người khác để quản lý đội nhóm, các quản lý cũng được hướng dẫn áp dụng coaching để khai phá trọn vẹn tiềm năng nhân sự, giúp tổ chức vượt qua được nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều biến động. Tìm hiểu ngay!
Bài viết được bình dịch từ bài gốc: Self-Awareness: The Starting Point of All Personal Development
Comments