top of page

8 rào cản thường gặp trong triển khai văn hoá coaching

Đã cập nhật: 28 thg 12, 2023

Văn hoá coaching đang ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp, cung cấp nền tảng cho việc học hỏi, hỗ trợ và nuôi dưỡng tài năng của nhân viên để họ phát triển thành tài sản lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn và rào cản, tác động lớn đến sự thành công khi đưa văn hoá coaching vào doanh nghiệp. Vậy những rào cản đó là gì và làm thế nào để vượt qua nó?


Mục lục


White paper:  Xây dựng văn hoá Coaching tại các doanh nghiệp Việt Nam


8 rào cản thường gặp trong triển khai văn hoá coaching


1. Thiếu sự hỗ trợ từ lãnh đạo cấp cao


Một trong những rào cản lớn đối với việc triển khai văn hóa coaching là ban lãnh đạo cấp cao sử dụng dịch vụ coaching nhưng lại không trở thành tấm gương tốt cho nhân viên thấy coaching giá trị như thế nào.


Với vai trò là coach, một số lãnh đạo cảm thấy rằng thời gian của họ bị lãng phí, họ phải tăng thêm gánh nặng và thiếu kỹ năng để trở thành coach đúng nghĩa. Hoặc có những lãnh đạo sẵn sàng thực hiện triển khai coaching nhưng lại chưa biết cách sắp xếp, lồng ghép các vai trò với nhau như thế nào cho hiệu quả.


Coaching nên bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao nhất của doanh nghiệp. Nếu phong cách lãnh đạo phổ biến của doanh nghiệp là chỉ huy và giao việc từ trên xuống, chỉ tập trung để đạt được hiệu quả công việc trong ngắn hạn thì khó có thể xây dựng văn hoá coaching thành công. Như vậy văn hoá của lãnh đạo cấp cao cần phải được thay đổi trước tiên. Lãnh đạo doanh nghiệp cần hỗ trợ, khuyến khích và tạo động lực với cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng bền vững lâu dài và lợi thế cạnh tranh để coaching trở thành một phần không thể thiếu của doanh nghiệp.



2. Thiếu nhận thức về giá trị của coaching trong doanh nghiệp


Một rào cản lớn khác đối với văn hóa coaching là sự thiếu nhận thức và quan niệm sai lầm về giá trị của coaching.


Nhiều người vẫn coi coaching là một hoạt động lãng phí thời gian và chỉ cần thiết khi nhân viên làm việc kém hiệu quả, mà chúng ta thường gọi là “coaching khắc phục hậu quả”. Họ không hiểu đầy đủ về lợi ích hoặc sự cần thiết khi triển khai văn hoá coaching mà chỉ coi đó là một hoạt động phụ thêm của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng tham gia vào hoạt động coaching một cách hời hợt, kém hiệu quả.


Để áp dụng thành công coaching, lãnh đạo cấp cao và bộ phận nhân sự cần đảm bảo rằng các cấp quản lý hiểu rõ vai trò của họ là những coaches tích cực, hoạt động hiệu quả tại doanh nghiệp. Văn hoá coaching cần được định vị là một phần của quá trình thay đổi văn hóa doanh nghiệp để có thể thu hút, phát triển và giữ chân những nhân tài hàng đầu chứ không phải là “một chương trình hay nên triển khai” hoặc dành riêng cho một nhóm nhỏ nhân viên.


Bất kỳ chương trình coaching thành công nào cũng đòi hỏi khả năng quản lý, thúc đẩy, giao tiếp và trình độ chuyên môn cao về coaching trong nội tại doanh nghiệp. Nếu không có sự đầu tư này, kết quả triển khai coaching khó có thể đạt được như mong đợi.


3. Thiếu thời gian và nguồn lực


Hầu hết các công ty thường không để ý đến việc đào tạo và thực hành coaching thường xuyên nên các cấp lãnh đạo sẽ khó tích lũy kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Một cuộc khảo sát gần đây của CIPD (Viện quản lý Nhân sự và Phát triển, trụ sở tại Anh, 2015) cho thấy chỉ 5% doanh nghiệp đã đào tạo đúng cách cho các cấp lãnh đạo của họ trở thành coach.


Sau khi đào tạo, các lãnh đạo sẽ được phân bổ vào các nhóm coach khác nhau và nên gặp mặt ít nhất mỗi tháng một lần để thảo luận về những thách thức trong coaching, chia sẻ những thành công và học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra các doanh nghiệp có thể sử dụng các nền tảng xã hội để chia sẻ những kiến ​​thức về các kỹ thuật thực hành coaching.


Để quá trình coaching được thực hiện thành công, doanh nghiệp cần phân bổ nguồn lực và thời gian một cách hợp lý. Bất kỳ trở ngại nào về thời gian hoặc nguồn lực đều có thể ảnh hưởng đến việc triển khai văn hoá coaching.


4. Kỹ thuật triển khai quá phức tạp


Nhiều chương trình đào tạo cố gắng biến các nhà lãnh đạo thành những nhà tâm lý học và đưa ra một loạt các kỹ thuật từ NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy) đến các mô hình nhận thức - hành vi.


Những điều này có thể hữu ích cho các chương trình coaching nâng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc đào tạo lãnh đạo các kỹ năng để áp dụng một quy trình coaching thực tế và đã được chứng minh như STRONG Business Coaching ™ hoặc GROW. Đồng thời họ cũng cần trang bị các kỹ năng coaching cốt lõi bao gồm lắng nghe tích cực, sẵn sàng đặt câu hỏi, thử thách và phản hồi mang tính xây dựng. Doanh nghiệp nên thực hiện những video giới thiệu tổng quan để các lãnh đạo hiểu coaching hiệu quả là như thế nào và cung cấp cho họ những ví dụ thực tế trong quá trình áp dụng.


Các lãnh đạo cần được cấp quyền truy cập vào các công cụ coaching đơn giản như phát triển cá nhân, khả năng phục hồi, xây dựng lòng tin, ủy quyền, đối phó với sự thay đổi, v.v. để nâng cao sự tự tin, năng lực và khả năng lãnh đạo quá trình coaching cho nhóm của mình.



5. Văn hoá doanh nghiệp


Văn hoá doanh nghiệp cũng là một rào cản không nhỏ trong quá trình triển khai văn hoá coaching. Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì văn hóa chỉ huy và kiểm soát. Việc đưa văn hoá coaching vào doanh nghiệp có thể sẽ khiến một số cá nhân lãnh đạo hoặc nhân viên cảm thấy không phù hợp và không muốn thay đổi vì đã quá quen văn hoá cũ. Thay đổi từ văn hóa chỉ huy và kiểm soát sang văn hoá coaching sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của doanh nghiệp.


Trong văn hoá doanh nghiệp thì văn hóa lãnh đạo cũng có thể trở thành rào cản chính quyết định sự thành công của việc triển khai văn hoá coaching. Chừng nào lãnh đạo điều hành còn mang tính hướng dẫn và không hỗ trợ, việc triển khai coaching sẽ không hiệu quả. Trừ khi văn hóa của doanh nghiệp phải đón nhận sự thay đổi, đổi mới và có sự hỗ trợ của lãnh đạo, nếu không thì triển khai coaching trong doanh nghiệp sẽ là rất khó khăn.


6. Không được coi là ưu tiên kinh doanh


Một số cá nhân, nhóm hoặc lãnh đạo nhận thấy coaching rất thú vị nhưng không phải là ưu tiên kinh doanh. Khi coaching bị đánh giá thấp và không được coi là một quy trình kinh doanh quan trọng, thì đây sẽ là một rào cản gây ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai văn hoá coaching trong doanh nghiệp. Từ lãnh đạo đến nhân viên sẽ không tập trung, chú trọng việc áp dụng coaching trong môi trường làm việc. Điều này sẽ dẫn đến việc triển khai coaching dễ bị lệch lạc, không hiệu quả như mong đợi.


7. Thiếu sự đánh giá và công nhận


Một trong những câu nói được sử dụng phổ biến nhất trong ngành Nhân sự là “có đo lường, có kết quả”. Để văn hóa coaching được duy trì, các hành vi và kết quả coaching cần phải là được đưa vào đo lường trong hệ thống quản lý hiệu suất. Nhờ đó các lãnh đạo có thước đo để đánh giá và khen thưởng không chỉ cho kết quả họ đạt được mà còn cả mức độ hiệu quả mà họ tham gia coaching và giữ chân nhân viên của mình.


Cần có sự nghiên cứu về tác động kinh doanh của coaching đối với hành vi và mối quan hệ của nhân viên, cũng như kết quả kinh doanh. Kết quả nghiên cứu sẽ được chia sẻ với các cấp lãnh đạo để làm cơ sở cải tiến chương trình cũng như để phát huy những thành công, học hỏi kinh nghiệm và thực hành tốt hơn.


8. Sự phản đối


Coaching từng bị nhìn nhận một cách sai lầm là một hoạt động dành cho những người làm việc kém hiệu quả. Quan niệm sai lầm này đã tạo ra một số sự phản đối đối với coaching, đặc biệt là ở các giám đốc điều hành và quản lý cấp cao. Coaching dành cho những người thành công và không dành cho những người không muốn cải thiện bản thân hoặc thay đổi tình trạng hiện tại của họ.


Coaching dành cho những cá nhân có nhiều tham vọng và có định hướng thành công. Và chỉ khi coaching được triển khai xuyên suốt ở tất cả các cấp quản lý trong doanh nghiệp như CEO, giám đốc, quản lý cấp cao, quản lý tầm trung, các nhóm và phòng ban khác nhau, thì mới phát huy hết giá trị và hiệu quả của nó.


Xác định các rào cản của doanh nghiệp trước khi triển khai văn hoá coaching


Trước khi bắt đầu quá trình coaching, cần có sự đánh giá mức độ ảnh hưởng của các rào cản trong doanh nghiệp để xem việc áp dụng coaching có phù hợp hay không. Nếu doanh nghiệp gặp quá nhiều rào cản, thì việc cố gắng triển khai coaching sẽ gây bất lợi nhiều hơn là tạo động lực.


Trả lời các câu hỏi sau sẽ giúp doanh nghiệp biết được mức độ ảnh hưởng của từng rào cản như thế nào:

  1. - Có sự ủng hộ từ cấp lãnh đạo trong việc triển khai văn hoá coaching?

  2. - Văn hóa doanh nghiệp có hỗ trợ cho văn hoá coaching không?

  3. - Giá trị của coaching có được hiểu rõ không?

  4. - Mức độ ưu tiên mà doanh nghiệp dành cho coaching?

  5. - Có sự chống đối nào khi triển khai văn hoá coaching không?

  6. - Những cấp độ kỹ năng và kinh nghiệm hiện tại trong trong doanh nghiệp là gì?

  7. - Có những nguồn lực nào hay có áp lực thời gian nào cho việc triển khai văn hoá coaching không?


Nếu văn hoá coaching trong doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức thì chính doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội và lợi ích do coaching mang lại. Việc quyết định đưa văn hoá coaching vào doanh nghiệp cần được thực hiện dần dần, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và có sự ủng hộ tiếp nhận từ doanh nghiệp. Xác định được các rào cản trước khi triển khai văn hoá coaching sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các phương án để đưa ra một lộ trình coaching phù hợp, hiệu quả và thành công.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • James Brook (2015), Common barriers to coaching culture. Strengthscope.com

  • Srinivasulu Ragala (2018), Barriers To Coaching Success In Organizations. Executivecoachingindia.com

  • Andrew Lyde (2020), Barriers to Creating a Coaching Culture in Your Organization. Medium.com

  • Jessica Jarvis (2016), Making the case for coaching. Does it work?. Exel-communications.com

  • Chartered Institute of Personnel and Development (2005) Training and development 2005. Survey report. London

Comments


bottom of page