top of page

Một ngành cực “hot” trị giá hơn 9 tỷ USD mà loạt “ông lớn” VinaCapital, Vietinbank, Hitachi Energy…

Đã cập nhật: 22 thg 7

VinaCapital cho biết đang đẩy mạnh coaching, thông qua hợp tác với Coach For Life. Hiểu một cách tổng quát, coaching là quá trình cho phép cá nhân hoặc đội nhóm suy niệm, nhận thức được họ là ai, điểm mạnh của bản thân; từ đó phát huy được khả năng tiềm ẩn thông qua thế mạnh và mang lại hiệu quả chung cho tập thể.

“Tại thời điểm này, chúng tôi tin rằng coaching có thể giúp mỗi cá nhân hay tổ chức đạt được mục tiêu một cách hiệu quả hơn. Coaching là một trong những yếu tố quan trọng giúp phát triển thế hệ lãnh đạo tương lai”, ông Brook Taylor – Tổng Giám đốc CTCP Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết. Chưa kể, giữa bối cảnh Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng, tham gia vào các “cuộc chơi” mới về năng lượng, công nghệ… trong khi phải đối mặt với bài toán lớn là thiếu hụt nhân sự quản lý có kỹ năng, kinh nghiệm và có tầm nhìn dài hạn.

Thị trường hơn 9 tỷ USD và đang phát triển rất nhanh

Ghi nhận trên toàn cầu, lĩnh vực ‘executive coaching’ (chuyên gia khai vấn lãnh đạo cấp cao) đang trải qua một xu hướng phát triển đầy tích cực. Đáng chú ý, số lượng các chuyên gia này được chứng nhận ngày càng nhiều. Giá trị thị trường liên quan đến cung cấp chứng chỉ cho các ‘executive coach’ đạt 9,3 tỷ vào năm 2022, tăng gần 1 tỷ so với năm 2021. Điều này chứng tỏ rằng, nhu cầu các doanh nghiệp thuê các chuyên gia khai vấn lãnh đạo cấp cao để làm việc với các lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp đang ngày càng tăng. Đặc biệt, khi thị trường ngày một cạnh tranh khốc liệt, nhiều sự thay đổi diễn ra với tốc độ nhanh... người lãnh đạo cấp cao cần có sự đồng hành và hỗ trợ ở cấp độ sâu sắc hơn.

Một nghiên cứu của Metrix Global cho thấy, ‘executive coaching’ có lợi tức đầu tư (ROI) cho doanh nghiệp là 788% dựa trên các yếu tố chính là tăng năng suất và tỷ lệ giữ chân nhân viên.

Báo cáo khác từ PRNewswire cũng ghi nhận kích thước thị trường đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng thêm 15,78 tỷ USD với tỷ suất tăng trưởng kép hàng năm là gần 9% trong suốt giai đoạn dự báo.

Tại Việt Nam, người trong cuộc cho rằng kỹ năng quản lý con người vẫn chưa nhận được sự chú trọng đúng mức. Kỹ năng lãnh đạo con người thường không được đánh giá một cách thích đáng, và thường bị lấn át bởi những năng lực kỹ thuật, chuyên môn hoặc các chỉ số KPI. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp lớn như Google, trong nhóm 10 kỹ năng quan trọng nhất cho quản lý lãnh đạo, việc thành thạo các kỹ năng kỹ thuật (technical skill) xếp số 8, và việc có kỹ năng coaching (being a good coach) được xếp đầu tiên. Đây là một khoảng cách lớn về sự quan tâm đến việc phát triển kỹ năng quản lý con người cho các quản lý lãnh đạo tại thị trường Việt Nam so với thị trường quốc tế.

“Kết quả đạt từ coaching đã vượt lên trên cả mong đợi của tôi”

Ông Brook Taylor cho biết thêm : “Những kết quả đạt được từ chương trình coaching đã vượt lên trên cả mong đợi của tôi. Việc chăm sóc well-being cho đội ngũ nhân sự là điều cần thiết cho sự thành công của VinaCapital”.

Còn cơ chế coaching, theo bà Quách Hương – Founder Coach For Life áp dụng mô hình Lãnh đạo tỉnh thức, sử dụng phương pháp tiếp cận “Từ trong ra ngoài”. Mô hình này bao gồm 3 vòng tròn lồng ghép vào nhau, mỗi vòng là một yếu tố đóng góp vào quá trình chuyển hoá toàn diện của một người lãnh đạo.

Trong đó, vòng tròn trong cùng, được gọi là “Tự nhận thức bản thân”, là yếu tố rất quan trọng cho các nhà lãnh đạo trong thế giới VUCA đầy căng thẳng ngày nay. Ở giữa là vòng tròn “Kết nối con người”. Vòng tròn này nhấn mạnh việc thúc đẩy mối quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo và nhân viên, khi đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc nhân viên và tạo ra cảm giác “thuộc về” trong môi trường làm việc.

Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa qua cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc quan tâm đến người lao động để giữ chân nhân tài. Cảm giác thuộc về là một trong những yếu tố tạo động lực chính của con người, đã được đề cập trong tháp nhu cầu Maslow và yếu tố này cũng ảnh hưởng tích cực đến sự gắn kết trong tổ chức.

“Một trong số những khách hàng của chúng tôi tại Tp.HCM đã phản hồi rằng, sự gắn kết và hài lòng của nhân viên của họ đã tăng lên đáng kể trong đại dịch Covid-19 nhờ các sáng kiến coaching”, vị này nói thêm.

Nhiều lãnh đạo Việt Nam đã chủ động tìm kiếm executive coaching

Dù chưa được đầu tư đúng mức, song các bên nhận thấy một nhóm khách hàng lớn đã và đang tìm đến coaching. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Việt Nam cùng một số tập đoàn lớn khác trong nước. Kể tên có VinaCapital, Vietinbank, Maxport, Hitachi Energy, Saint Gobain, Standard Chartered Bank…. Một nhóm khác là chủ các doanh nghiệp nhỏ, các startup (những người có tư duy cấp tiến, đổi mới) đã chủ động tìm đến coaching như một phương pháp để nâng cấp bản thân, lãnh đạo doanh nghiệp của mình tốt hơn.

“Số lượng các doanh nghiệp đã và đang đầu tư cho coaching là chưa nhiều (so với tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam). Tuy nhiên, đã có một sự gia tăng đáng kể trong việc các tổ chức tìm kiếm dịch vụ coaching cho quản lý và lãnh đạo cấp cao. Khi, đại dịch Covid-19 nói riêng và thế giới VUCA ngày nay nói chung đã làm gia tăng sự lo lắng của những nhân sự cấp cao, dẫn đến gia tăng nhu cầu được khai vấn chuyên nghiệp ”, bà Hương nói.

Trong đó, VUCA được hiểu là trạng thái đa cực, mô tả bốn đặc điểm chính: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Kết quả, rất nhiều giám đốc điều hành đã tìm kiếm sự định hướng trong quá trình chuyển hóa và nhận ra rằng, một người coach sẽ mang đến cho họ rất nhiều lợi ích trong việc phát triển chiến lược đối phó với nghịch cảnh.

Nhìn chung, coaching vẫn là một lĩnh vực mới tại Việt Nam. Trên thế giới, coaching bắt đầu mở rộng và phổ biến hơn vào khoảng năm 1990, thì chúng ta mới biết đến coaching trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Trong những năm đầu tiên coaching xuất hiện tại thị trường Việt Nam, đối tượng quan tâm chủ yếu là những người có mong muốn phát triển trở thành một nhà khai vấn chuyên nghiệp, tức là coi đây là một sự nghiệp phát triển. Song, chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây, việc đưa coaching vào trong doanh nghiệp mới bắt đầu xuất hiện và được quan tâm nhiều hơn.

Nguồn: CafeF

Comentarios


bottom of page