Khi gặp căng thẳng, bạn có thể làm bất cứ điều gì cần thiết để cảm thấy thư thái hơn. Nhưng lý tưởng nhất là khi bạn biết cách để tự giúp mình trước khi gặp phải những tình huống căng thẳng.
Đây là lúc khả năng phục hồi (resilience) xuất hiện, là cách bạn có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần và làm dịu đi mức độ ảnh hưởng của căng thẳng trong cuộc sống. Khi bạn xây dựng được khả năng này, bạn có thể kiểm soát căng thẳng của mình trước khi nó lấn át tâm trí và cơ thể bạn.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng học cách đối mặt với căng thẳng và tự giúp bản thân loại bỏ nó để phục hồi trạng thái tích cực không hề dễ. Bởi khả năng phục hồi không phải là thứ có sẵn từ khi bạn sinh ra, cũng không phải thứ có thể mua được. Nó được phát triển thông qua đào tạo và và sự kiên nhẫn. Nó cần bạn nỗ lực, kiên trì, bền bỉ đến cùng. Xây dựng khả năng phục hồi là một sự đầu tư lâu dài vào bản thân và sức khỏe tinh thần, thể chất của bạn.
Mục lục
Khả năng phục hồi - Resilience là gì?
Khả năng phục hồi (resilience) là khả năng bạn có thể tự điều chỉnh để thay đổi và thích ứng với những tình huống khó khăn, chẳng hạn như nỗi đau mất người thân, rời xa gia đình để đến thành phố mới, mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo,.... Bất kể điều gì mang lại cho chúng ta căng thẳng, khả năng phục hồi là cách để vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng đó.
Khi có khả năng tự phục hồi, bạn sẽ tin rằng dù có bất kỳ khó khăn nào, bạn cũng sẽ vượt qua.
Khả năng phục hồi có thể giúp gì cho sức khỏe tâm thần?
Bất kỳ ai cũng có thể trải qua những thách thức về sức khỏe tâm thần. Trên thực tế, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, cứ 4 người Mỹ trưởng thành thì có một người gặp phải tình trạng sức khỏe tâm thần.
Khả năng phục hồi giúp ích trước, trong và sau quá trình bạn đối mặt với những khó khăn. Nó có thể huấn luyện cho bạn cách giải quyết vấn đề. Thông qua đó, bạn sẽ tìm ra những chiến lược để đối phó với những thử thách trong cuộc sống.
Điều đó có nghĩa là, mỗi lần học được cách kiểm soát căng thẳng, chăm sóc bản thân, khả năng phục hồi của bạn sẽ được nâng cấp. Cứ như thế, bạn sẽ thấy rằng, bạn càng có năng lực để vượt qua những trở ngại trong tương lai.
Tóm chung, khả năng phục hồi được hình thành sau mỗi lần bạn vượt qua thử thách.
Làm thế nào để phát triển khả năng phục hồi?
Ở thời điểm hiện tại, bạn có thể thấy bản thân không có khả năng tự phục hồi. Đừng quá lo lắng về điều này, bởi bạn có thể học và phát triển khả năng này ở mọi lứa tuổi. Và mỗi người sẽ có một cách học tập, phát triển khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ:
Phát triển thái độ tích cực. Thay vì vùi đầu vào những suy nghĩ tiêu cực, hãy chuyển chúng sang những ý tưởng lạc quan và tích cực hơn. Bạn có thể tự trò chuyện với bản thân những điều tích cực. Nó sẽ giúp bạn có niềm tin và dễ dàng xử lý các thử thách vì bạn tin tưởng vào khả năng của mình.
Tăng cường nhận thức về bản thân. Tự nhận thức bản thân là chìa khóa để bạn hiểu bản thân đang như thế nào, tại sao bạn làm việc bạn đang làm. Tự nhận thức cho bạn biết bản thân có đang kiệt sức. Khi biết rõ vấn đề của bản thân, bạn sẽ tìm ra cách phù hợp để giải quyết nó. Hãy dành thời gian để trò chuyện với chính mình, nhìn nhận những cảm xúc, suy nghĩ, hành động đang diễn ra trong mình.
Thử những điều mới. Trải nghiệm mới là một cách tuyệt vời để xây dựng khả năng phục hồi. Bạn có thể thử các sở thích mới, hoặc các hoạt động thể chất nhiều hơn hoặc thử nghiệm các kỹ thuật quản lý căng thẳng mới.
Làm thế nào bạn có thể sử dụng khả năng phục hồi để đối phó với căng thẳng?
Căng thẳng luôn là một phần trong cuộc sống. Vì thế, không có cách nào để bạn cấm tiệt căng thẳng khỏi cuộc sống của mình. Điều bạn có thể làm là sử dụng khả năng phục hồi của mình để đối phó, làm dịu căng thẳng. Khả năng tự phục hồi cho bạn động lực để vượt qua mọi khó khăn. Nó có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bạn về cách bạn đương đầu với thử thách.
Dưới đây là 4 cách bạn có thể đối phó với căng thẳng nhờ sử dụng khả năng tự phục hồi:
1. Khám phá các phương pháp chăm sóc sức khỏe mới.
Khả năng phục hồi giúp bạn luôn cố gắng khi học những điều mới vì nó giúp bạn thích nghi với sự thay đổi. Vì vậy, hãy thử tìm ra những cách thức mới để giúp bản thân điềm tĩnh và thư giãn hơn.
Ví dụ bạn có thể thử tập thái cực quyền, thực hành chánh niệm để giảm căng thẳng (Chánh niệm là phương pháp đã được chứng minh là giúp điều trị lo âu và căng thẳng)
2. Xây dựng mạng lưới hỗ trợ.
Đôi khi, bạn sẽ không thể tự mình thoát khỏi căng thẳng. Hãy tìm kiếm những người có thể hỗ trợ bạn vượt qua điều đó. Hãy thử kết nối, tham gia các câu lạc bộ hoặc nói chuyện với những người mới. Trên mạng xã hội, bạn có thể tìm kiếm những người cho bạn cảm giác an toàn, tin tưởng để chia sẻ, bạn cũng có thể học hỏi kỹ năng vượt qua khó khăn từ họ.
3. Làm việc để khám phá những yếu tố gây căng thẳng.
Bạn không thể giải quyết căng thẳng một cách tốt nhất nếu không xác định rõ nguyên nhân gây nên. Bằng cách viết nhật ký cảm xúc, ghi nhận lại tất cả những điều đang xảy ra, những gì bạn đang cảm thấy. Khi bạn lưu tâm hơn đến bản thân, bạn sẽ biết chính xác điều gì đang khiến mình căng thẳng.
4. Đừng bao giờ từ bỏ.
Khả năng tự phục hồi là điều bạn cần xây dựng và phát triển liên tục. Ngay lúc này, bạn có thể đang gặp khó khăn, bạn vẫn đang kiên trì để sử dụng khả năng tự phục hồi. Nhưng bạn cũng có thể tiếp tục tìm kiếm những cách mới để giúp chính mình. Hãy luôn giữ thái độ lạc quan, tích cực biến tình huống, thách thức thành cơ hội để học tập và rèn luyện.
5 mẹo sử dụng khả năng phục hồi để xử lý căng thẳng liên quan đến công việc
Khoảng 70% người Mỹ nói rằng nguyên nhân chính gây ra căng thẳng là nơi làm việc của họ. Vì thế, môi trường làm việc là một nơi tuyệt vời để bạn rèn luyện khả năng tự phục hồi.
Khả năng tự phục hồi là kỹ năng cần có hàng đầu trong môi trường công việc. Tại sao vậy? Bởi vì khi có kỹ năng này, bạn sẽ vượt qua trở ngại và duy trì năng suất dễ dàng hơn. Bạn cũng sẵn sàng thích nghi và đối mặt với bất kỳ thử thách nào. Bạn có thể học kỹ năng mới, phát triển bản thân, từ đó, phát triển đội nhóm và mở ra cơ hội thăng tiến sự nghiệp.
Dưới đây là 5 lời khuyên để bạn sử dụng khả năng tự phục hồi trong công việc:
Hãy biết cảm thông với bản thân
Giữ thái độ lạc quan trong công việc bạn làm và giá trị bạn có
Tăng cường kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là khi bạn đang tự quản lý một đội nhóm
Hãy chủ động xử lý nếu bạn thấy mình đang gặp phải thách thức
Suy nghĩ về việc rời bỏ công việc nếu bạn thấy không ổn (ngay cả khi bạn làm việc từ xa)
Vậy còn đối với những căng thẳng mãn tính thì sao?
Nếu căng thẳng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (vài ngày), đó là căng thẳng cấp tính. Nhưng nếu mức độ căng thẳng ngày càng tăng cao và kéo dài, có thể bạn gặp căng thẳng mãn tính và nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Căng thẳng mãn tính ảnh hưởng đến mọi hệ thống trong cơ thể của bạn và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi nồng độ cortisol tăng lên để phản ứng với căng thẳng có thể dẫn đến tăng nhịp tim hoặc huyết áp cao. Căng thẳng kéo dài có thể gây ra bệnh tim, gây hại cho hệ thống miễn dịch của bạn và hơn thế nữa.
Hãy nhớ rằng, ngay cả khi bạn đang theo dõi mức độ căng thẳng của mình và cảm thấy có thể kiểm soát được nó, bạn vẫn cần có sự giúp đỡ. Học hỏi và rèn luyện khả năng tự phục hồi là một con đường dài. Đôi khi bạn không thể và cũng không nên đi một mình. Đôi khi bạn không thể kiểm soát được tình trạng căng thẳng mãn tính do tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc các sự kiện chấn thương gây ra. Trong những trường hợp đó, việc xây dựng khả năng phục hồi có thể khó hơn.
Nếu căng thẳng làm suy nhược cơ thể, có thể đã đến lúc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc bác sĩ. Hãy để họ giúp bạn quản lý căng thẳng, giúp bạn tìm ra giải pháp để vượt qua thử thách, những thời đoạn khó khăn. Tìm kiếm sự giúp đỡ không có nghĩa là bạn yếu đuối. Hãy tự hào về bản thân vì bạn đang biết cách để bảo vệ chính mình.
Hãy nhớ: đối xử tốt với bản thân bạn!
Khi xây dựng khả năng tự phục hồi và học cách kiên cường, bạn có thể cho phép bản thân lo lắng. Thử thách sẽ không thể nào biến mất khỏi cuộc sống của bạn. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy nản lòng, khó chịu với bản thân nếu bạn không thấy mình tiến bộ như kỳ vọng. Nhưng không phải lúc nào cũng cần tỏ ra mạnh mẽ vì cơ thể của bạn, tâm trí của bạn có quyền được cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối trước khi tìm ra giải pháp. Sẽ không bao giờ là đủ cho việc rèn luyện khả năng tự phục hồi, nhưng nó sẽ luôn đủ để giúp bạn giải quyết vấn đề, làm dịu và loại bỏ căng thẳng trong mọi khó khăn, thách thức của cuộc sống.
Nhận biết được sự phổ biến của việc nhân viên căng thẳng thường xuyên cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến sự well-being của nhân viên, Coach For Life giới thiệu chương trình Employee Assistance Program. EAP (Employee Assistance Program) là chương trình hỗ trợ nhân viên, do người sử dụng lao động cung cấp cho nhân viên của họ nhằm giúp đỡ nhân viên giải quyết những vấn đề cá nhân hoặc những vấn đề liên quan tới công việc mà có thể ảnh hưởng tới hiệu suất công việc. Chương trình được thiết kế để cải thiện sức khỏe tổng thể và sự cân bằng viên mãn (well-being) của nhân viên tại nơi làm việc; với các dịch vụ như đào tạo, khai vấn, tư vấn. Nếu bạn quan tâm, hãy đặt lịch để được tư vấn trực tiếp bởi các chuyên gia tại Coach For Life.
Comments