Burnout hay leadership burnout là gì mà đến 60% lãnh đạo từng gặp phải hội chứng này khi làm lãnh đạo. Khám phá lý do và giải pháp trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Khi nghe đến việc burnout khi làm lãnh đạo, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta là trạng thái kiệt quệ về thể chất, mệt mỏi tinh thần và cạn kiệt cảm xúc. Là một nhà lãnh đạo, có lẽ bạn đã quen với việc tự mình trải qua khó khăn rồi tự vực mình dậy, nhưng liệu bạn có thể tiếp tục việc này bao lâu trước khi sức khỏe, công việc và gia đình bị ảnh hưởng theo?
Theo kết quả cuộc khảo sát dữ liệu năm 2020 và 2021 từ Gallup, các nhà chuyên gia cho rằng việc kiểm soát tình trạng kiệt sức chỉ khiến mọi chuyện trở nên tệ đi. Họ cho biết, sự mệt mỏi ở giai đoạn cuối đại dịch đang gây ra nhiều thiệt hại cho nhiều quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp - những người có xu hướng dễ cảm thấy bị kiệt sức.
Là một nhà lãnh đạo, bạn sẽ cần làm việc trách nhiệm, hỗ trợ với một thái độ tích cực. Đôi khi, bạn còn cần phải có câu trả lời cho cả những điều không chắc chắn. Sự áp lực, cô lập và gánh nặng đi kèm với việc đứng đầu có thể quá sức chịu đựng, khiến mọi thứ trở nên vô vọng và khó giải quyết. Các triệu chứng kiệt sức có thể bao gồm cạn kiệt cảm xúc, cảm thấy biệt lập, mất động lực và giảm hiệu suất công việc — tất cả những điều này tạo ra hiệu ứng gợn sóng (a ripple effect) ở bất cứ môi trường công sở nào.
Những người lãnh đạo kiệt sức cảm thấy khó nắm bắt thông tin và thiếu quyết đoán khi phải đối mặt với các quyết định quan trọng. Họ thiếu tự tin khi đưa ra sự lựa chọn, dẫn đến những lựa chọn sai lầm, đồng thời đánh mất những cơ hội cũng như khả năng gắn kết nhân viên.
Hội chứng Burnout hay Leadership Burnout là gì?
Leadership Burnout là cảm giác kiệt sức về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đây là tình trạng các nhà quản lý cấp cao và quản lý có hiệu suất tốt sẽ trải qua khi phải tự gánh quá nhiều công việc, hoặc bỏ qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, cũng có thể do bị cô lập tại chốn công sở.
Ngạn ngữ có câu “It’s lonely at the top” (tạm dịch: Khi đứng trên đỉnh cao, chúng ta cần chấp nhận cảm giác cô đơn). Trong một cuộc phỏng vấn toàn khu vực năm 2016, sau 5 năm tiếp quản công việc từ Steve Jobs, CEO Tim Cook của Apple đã thẳng thắn nói về những thách thức khi điều hành một trong những công ty mang tính biểu tượng nhất thế giới - “Đây là một công việc cô đơn”, ông thừa nhận.
Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) định nghĩa “hội chứng burnout” là một hiện tượng nghề nghiệp trong chương “Phân loại bệnh tật quốc tế về các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe". WHO lưu ý rằng kiệt sức là kết quả của quá trình căng thẳng kinh niên tại nơi làm việc và dưới đây là ba khía cạnh đặc trưng cho nó:
Sự cạn kiệt năng lượng.
Có cảm giác tiêu cực đối với công việc.
Giảm hiệu quả công việc.
“Kiệt sức” là cụm từ được mọi người nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây nhưng ý nghĩa thật sự của nó là gì?
Kiệt sức là khi cơ thể bạn rơi vào trạng thái: "Quá đủ rồi, tôi bỏ cuộc". Kiệt sức không chỉ là mệt mỏi thông thường, nó giống như đang kêu gào: "Tôi không còn sức chịu đựng nữa…”
Development Dimensions International's Global Leadership Forecast 2021 cho biết gần 60% các nhà lãnh đạo tiết lộ họ cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi vào cuối ngày làm việc, đây là dấu hiệu cấp báo về tình trạng “cháy sạch” (burnout).
Sự kiệt sức của lãnh đạo có thể xảy ra khi căng thẳng kéo dài trong quá trình làm việc, hoặc khi bạn đã làm việc dưới một vai trò quá sức trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ai cũng có thể trải qua cảm giác kiệt sức khi những nỗ lực trong công việc không mang lại kết quả như mong đợi và nhận lại thất vọng tràn trề.
Căng thẳng, thấy mông lung hay làm việc trong thời gian dài không nghỉ ngơi có thể gây ra tình trạng suy nhược cho cơ thể. Nếu không được kiểm soát đủ lâu, đó là một tình trạng có thể biểu hiện như mệt mỏi, buông thả, chán nản và kiệt sức.
Tìm hiểu thêm: Kiệt Sức Ở Lãnh Đạo: Dấu hiệu, Nguyên Nhân và Giải Pháp
Vậy nguyên nhân nào khiến chúng ta rơi vào tình trạng này? Với tư cách là một nhà lãnh đạo, bạn có thể tìm kiếm những dấu hiệu này để nhìn lại bản thân liệu mình có đang kiệt sức hay không?
Hãy xem qua những dấu hiệu dưới đây.
Làm thế nào để xác định dấu hiệu của Leadership Burnout?
Chúng ta đang sống và làm việc trong một nền văn hóa với nhịp độ nhanh, tôn sùng sự bận rộn. Hiện nay, các công ty đang gặp khó khăn về thiếu nguồn nhân lực và buộc nhân viên phải làm nhiều hơn với nguồn tài nguyên khan hiếm. Mặc dù các nhà lãnh đạo đang cố gắng đối đầu với thách thức, nhưng điều này cũng có thể khiến họ phải trả giá đắt. Dưới đây là năm dấu hiệu cho thấy một lãnh đạo đang đối mặt với tình trạng burnout:
Sự hoài nghi dẫn đến mức năng lượng thấp
Nếu bạn cảm thấy công việc hiện tại không đem tới sự thỏa mái và không thể phát triển trong tương lai thì đây là một dấu hiệu rõ ràng của Leadership Burnout. Ngoài ra, dấu hiệu rõ ràng nhất của leadership burnout chính là việc mệt mỏi dẫn đến kiệt sức, thiếu nhiệt huyết và tinh thần làm việc sụt giảm.
Việc trì hoãn chăm sóc sức khỏe bản thân vì lý do “không có thời gian hay năng lượng” có thể cho bạn cảm giác “năng suất”, “hết mình vì công việc”. Tuy nhiên sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Việc chăm sóc bản tốt không chỉ khiến bạn mà cả những người xung quanh cảm thấy tốt hơn, bởi vì bạn đang thể hiện ở mức năng lượng tốt nhất.
Kiệt sức quá mức
Bạn thấy bản thân kiệt sức vào cuối ngày và điều này xảy ra hai đến ba lần trên tuần hoặc nhiều hơn thế, thì đây chính là một tín hiệu đáng báo động. Đối với một nhà lãnh đạo, điều này rất quan trọng khi thảo luận về các hoạt động ở cấp độ chiến lược. Nếu bạn không hình dung được những ý tưởng lớn hay làm rõ tầm nhìn của mình, có thể bạn đang dần kiệt sức.
Kiệt sức có thể lấy đi cơ hội được thư giãn, nạp lại năng lượng và trẻ hóa của bạn. Trong lúc đó, vòng xoáy tiêu cực vẫn liên tục vận hành.
Không thể kiểm soát tâm trạng
Trong nhiều trường hợp, bạn luôn thấy mình mất bình tĩnh vì những điều nhỏ nhặt thì đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó đang không ổn. Ngay cả khi bạn biết rằng mình cần phải thật chuyên nghiệp trong việc giữ cảm xúc trong tầm kiểm soát, nhưng tất cả những cảm xúc tiêu cực của bạn vẫn thường xuyên “lấn sâu” vào công việc và cả các mối quan hệ. Đây chính là dấu hiệu rõ ràng về sự kiệt sức.
Mất đi lòng nhiệt thành và động lực từ bên trong
Khi niềm đam mê thúc đẩy bạn không còn nữa, động lực làm việc cũng bốc hơi theo hoặc dẫn tới những hành vi ích kỉ.
Bạn cảm thấy khó khăn trong việc tìm cách thúc đẩy bản thân vào mỗi sáng đi làm, dường như không còn điều gì khiến bạn thấy thú vị và truyền cảm hứng cho bản thân nữa, thì đó chính là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cơ thể bạn sắp rơi vào tình trạng kiệt sức.
Mất quan điểm cá nhân dẫn tới chứng “sương mù não”
Nếu bạn không thể nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm hoặc không thể cảm nhận được mùi vị của sự thành công thì có lẽ bạn đang có xu hướng kiệt sức nhanh hơn bình thường. Cảm giác chán nản, không biết mình là ai liên tục xuất hiện trong tâm trí của bạn? Đó chính xác là triệu chứng căng thẳng mãn tính, dẫn đến kiệt sức.
Những burned-out leaders này thường có xu hướng dễ mắc lỗi, đãng trí, quên các cuộc hẹn và mất nhiều thời gian hơn để gắn kết với đồng nghiệp hoặc khách hàng.
Điều gì gây ra Leadership Burnout?
Trong năm 2022 vừa qua, sự chú ý của con người đổ dồn vào sự gia tăng tình trạng kiệt sức ở nhân viên do các yếu tố gây căng thẳng từ đại dịch. Bộ phận nhân sự của các tổ chức đã cố gắng thực hiện nhiều cách để giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên, những phát hiện gần đây cho thấy sự kiệt sức của lãnh đạo cũng là một vấn đề cấp bách.
Một số nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo kiệt sức có thể rất rõ ràng và dễ nhận biết, trong khi một số khác thì không dễ phát hiện nhưng lại vô cùng quan trọng. Dưới đây là năm nguyên nhân nổi bật nhất dẫn đến sự kiệt sức của lãnh đạo.
Cảm giác bị cô lập
Cụm từ "cô đơn trên đỉnh cao" có thể đúng, nhưng nó cũng mang tính khắc kỷ. Những nhà lãnh đạo có khả năng phải trải qua cảm giác cô đơn nhiều hơn so với nhân viên của mình. Một số người tin rằng để đạt được vị trí quan trọng hay được công nhận thì cái giá phải trả chính là sự cô đơn.
Tuy nhiên, việc không sẵn sàng chia sẻ những áp lực với những người ở vị trí tương tự là một sai lầm có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức nghiêm trọng. Yếu tố quan trọng nhất trong sự cô lập không phải là số lượng hay tần suất tiếp xúc, mà là sự thiếu kết nối thân mật với những người khác. Kết nối lãnh đạo hiệu quả có thể giúp ích rất nhiều trong những tình huống như vậy.
Multitasking - Đa nhiệm
Một nghiên cứu cho thấy làm nhiều công việc trong một khoảng thời gian sẽ giảm năng suất tới 40% trong một ngày. Sự giảm năng suất này được gọi là “chi phí chuyển đổi nhiệm vụ” (task switch cost). Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo lại thuyết phục bản thân rằng đa nhiệm dẫn đến năng suất cao hơn.
Nghiên cứu tại Đại học Stanford đã phát hiện ra rằng khi chúng ta cố gắng xử lý hai công việc cùng một lúc, khả năng làm việc của chúng ta có thể giảm xuống, đồng thời khả năng nhận thức của chúng ta cũng không thể nhanh hơn. Đa nhiệm cũng có thể làm giảm trí nhớ dài hạn.
Đa nhiệm không giúp tạo nên một người lãnh đạo “bận rộn để thành công”, ngược lại, còn đem đến nhiều hệ lụy về năng suất và sức khỏe tinh thần. Các nhà lãnh đạo, quản lý nên ứng dụng kỹ năng coaching để thấu hiểu thế mạnh của nhân viên của mình, từ đó trao quyền cho cấp dưới một cách hợp lý, đúng năng lực, tránh tình trạng một mình cáng đáng toàn bộ công việc.
Không tập trung vào hiện tại
Nhà lãnh đạo có thể rơi vào bẫy tinh thần của việc liên tục tìm kiếm cơ hội tốt nhất tiếp theo và dành hầu hết thời gian của mình để làm điều đó.
Khi điều này xảy ra với nhà lãnh đạo, họ sẽ không thể tập trung vào nhiệm vụ quan trọng trước mắt và bắt đầu chậm tiến độ với những mục tiêu thật sự quan trọng của nhiệm vụ trước đó. Bởi vậy, họ luôn phải vội vã đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong thời hạn bó hẹp, từ đó gây ra sự căng thẳng mãn tính.
Phân bổ sự cân bằng
Vị trí lãnh đạo thường phải làm việc nhiều giờ và luôn phải sẵn sàng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ cũng phải chịu trách nhiệm khi đưa ra các quyết định quan trọng - những quyết định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính cá nhân và công ty.
Việc bị căng thẳng trong thời gian dài khiến nồng độ hormone cortisol liên tục ở mức cao, cùng với sự dư thừa các chất dẫn truyền thần kinh và hormone khác, có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, cân nặng tăng, suy giảm khả năng miễn dịch, giảm trí nhớ do thoái hóa tế bào não, đồng thời làm suy giảm chức năng của não.
Gánh nặng trọng trách
Các nhà lãnh đạo cấp cao có thể bị mắc kẹt trong vòng xoáy của việc hy sinh quá mức cho người khác. Điều này dẫn đến tình trạng kiệt sức vì họ phải chịu trách nhiệm quá mức đối với sự thành công của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, các nhà lãnh đạo đang áp lực hơn bất cứ ai vì họ không dám thể hiện sự mệt mỏi, cạn kiệt sức lực khi chính họ đang làm gương cho toàn bộ nhân viên của doanh nghiệp.
Hơn nữa, mọi quyết định mà nhà lãnh đạo đưa ra đều mang tính hệ quả, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tổ chức. Bởi vậy, gánh nặng phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ quyết định có thể tác động xấu đến trạng thái tinh thần của họ, từ đó dẫn tới tình trạng kiệt sức. Kết quả là, các nhà lãnh đạo không sẵn sàng chấp nhận rằng: Họ đang bị cạn kiệt năng lượng. Điều này khiến các triệu chứng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Làm sao để các lãnh đạo không rơi vào trạng thái burnout?
Khi cảm nhận được những dấu hiệu đầu tiên của kiệt sức, thì cách tốt nhất để đối phó kịp thời và không gây ảnh hưởng tới những người xung quanh là lùi lại một bước để phục hồi bản thân. Điểm mấu chốt của việc ngăn chặn burn-out là hiểu rằng: Lùi lại để giải quyết tình trạng bản thân không phải yếu kém, mà là biểu hiện của một tầm nhìn dài hạn.
Nhận biết sớm các dấu hiệu về tình trạng kiệt sức
Mặc dù việc nhận biết tình trạng kiệt sức có thể khó khăn đối với các nhà lãnh đạo vì nhiều lý do, nhưng đó lại là điều thiết yếu để phục hồi cơ thể.
Các nhà lãnh đạo có thể nhận biết thông qua các triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như giấc ngủ không sâu, thấy mất động lực, cạn kiệt năng lượng khi cảm thấy mỗi ngày làm việc là một ngày tồi tệ. Ngoài ra, bạn rất dễ cáu kỉnh và bắt đầu tìm đến những thói quen không lành mạnh như uống rượu để che đậy sự mệt mỏi vốn có.
Trao quyền nhiều hơn cho nhân viên của mình
Khi doanh nghiệp đang trên đà phát triển, các nhà lãnh đạo thường phải “nhường lại” việc kiểm soát đối với vị trí mà họ từng đảm nhiệm trọng trách. Nếu các nhiệm vụ không được phân công hợp lý, các nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ bị choáng ngợp với hàng loạt nhiệm vụ cũ và mới mà họ phải đảm nhiệm. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến căng thẳng và tình trạng kiệt sức.
Bằng cách phân quyền hiệu quả cho cấp dưới, họ có thể ngăn ngừa tình trạng căng thẳng, đồng thời nâng cao năng lực đội nhóm. Khi nhà lãnh đạo phân chia công việc một cách chu toàn, họ trao quyền cho nhân viên để đảm nhận những trọng trách mới và tạo cơ hội cho họ mở rộng kỹ năng của bản thân. Đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi.
Do đó, doanh nghiệp nên giảm quản lý vi mô (micromanaging) bằng cách để nhà lãnh đạo trao quyền cho các thành viên trong nhóm, cùng chia sẻ tầm nhìn và mục đích với những thành viên còn lại.
Chiêm nghiệm, suy ngẫm và biết ơn
Khi có mục đích rõ ràng, bạn có thể vượt qua những trở ngại tưởng chừng là khó khăn nhất một cách nhẹ nhàng. Theo thời gian, các nhà lãnh đạo có xu hướng quên đi sứ mệnh thật sự của mình là gì, đặc biệt khi áp lực công việc khiến họ sao nhãng khỏi những mối quan tâm gốc rễ ấy.
Chiêm nghiệm giúp chúng ta tìm ra lời giải cho chính ta. Hãy dành thời gian để suy ngẫm về những việc bạn đang làm. Tại sao bạn lại làm nó, mục đích của bạn là gì và tại sao công việc này quan trọng với bạn, bạn hy vọng bản thân đạt được điều gì sau những trải nghiệm này,..
Đặt giới hạn cho bản thân
Sự cam kết là một phần của cuộc sống, nhưng cam kết và ràng buộc là hai khái niệm hoàn toàn đối lập. Các nhà lãnh đạo luôn được kỳ vọng là người có thể đáp ứng mọi yêu cầu ở mọi thời điểm. Tuy nhiên, việc ràng buộc bản thân phải làm hài lòng mọi kỳ vọng có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng kiệt sức ở các nhà lãnh đạo.
Vì vậy, người lãnh đạo cần thiết lập nguyên tắc giao tiếp rõ ràng để giảm thiểu sự tập trung vào quá nhiều thứ cùng lúc và dành thời gian ngoài giờ làm cho bản thân.
Tìm đến sự giúp đỡ
Khi tình trạng kiệt sức ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của những nhà lãnh đạo, đây là lúc họ nên đặt lịch hẹn với các chuyên gia trị liệu tâm lý để cùng đưa ra các phương pháp phục hồi tình trạng cơ thể.
Thật ra, các nhà lãnh đạo không phải lúc nào cũng cô đơn và cô lập. Với tư cách là một nhà lãnh đạo, bạn hoàn toàn có thể thảo luận các vấn đề của bản bân với các nhà lãnh đạo khác trên toàn cầu thông qua nền tảng mạng lưới lãnh đạo để được hỗ trợ và hướng dẫn, đồng thời giúp bạn loại bỏ cảm giác bị cô lập.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo có thể tìm đến Excecutive coaching (Khai vấn lãnh đạo) để được đồng hành cùng các chuyên gia khai vấn - những người có khả năng giúp nhà lãnh đạo nhận biết sớm các dấu hiệu burnout, xác lập ranh giới lành mạnh trong cảm xúc và công việc, đồng thời được lắng nghe, đồng cảm.
Tập thể dục đều đặn để có giấc ngủ khỏe
Nghiên cứu gần đây cho thấy giấc ngủ có mối quan hệ mật thiết với việc tập thể dục hàng ngày, bởi điều này mang lại những tác động có lợi cho chính cơ thể và bộ não của chúng ta. Khi tập thể dục, não của chúng ta giải phóng một loại protein mang tên yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF), hay còn được gọi là Miracle-Gro cho bộ não.
Protein này kích thích sự phát triển các tế bào thần kinh mới và bảo vệ tế bào não khỏi sự căng thẳng. Khi chúng ta càng chăm sóc bộ não mình tốt, chúng ta càng dễ trở thành những nhà lãnh đạo giỏi hơn.
Hãy xem Tiến sĩ Stephen Dansiger chia sẻ về cách làm sao để một nhà lãnh đạo tránh tình trạng kiệt sức. Tiến sĩ Stephen Dansiger là bác sĩ lâm sàng, đồng thời cũng là một nhà văn và là một giáo viên thiền định. Ông đã giảng dạy cách quản lý cơn giận dựa trên chánh niệm trong hơn 25 năm với tư cách là một nhà huấn luyện, nhà giáo dục và nhà trị liệu.
Tạm kết
Khả năng lãnh đạo không phải một kỹ năng dễ học, nhưng là kỹ năng đang được đòi hỏi ngày càng cao. Những nhà lãnh đạo giỏi cần thấu hiểu điều này và quản lý cuộc sống của họ tốt hơn để tránh tình trạng kiệt sức. Tuy nhiên, ngay cả những nhà lãnh đạo giỏi nhất cũng dễ rơi vào tình trạng cạn kiệt năng lượng.
Hiện nay, sau đại dịch, tình trạng kiệt sức của nhân viên và lãnh đạo đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Ngay cả khi họ gần chạm tới ranh giới kiệt sức, một số nhà lãnh đạo vẫn từ chối tạm dừng lối sống hối hả của mình và tiếp tục đi trên con đường tàn phá sức khỏe cho đến khi quá muộn.
Nhận biết tình trạng kiệt sức đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại tới mọi mặt của cuộc sống. Bạn sẽ không thể lãnh đạo và truyền động lực cho nhân viên nếu chính bản thân đang héo mòn vì kiệt sức mỗi ngày.
Thừa nhận những nguyên nhân dẫn tới sự kiệt sức, loại bỏ những thói quen xấu và tập cân bằng giữa cuộc sống và công việc có thể cần nhiều nỗ lực và kỉ luật từ bạn. Nỗ lực này không dễ dàng, nhưng hoàn toàn xứng đáng nếu bạn muốn có một cuộc sống và sự nghiệp bền vững, tốt đẹp hơn.
Nếu bạn là một nhà lãnh đạo và đang gặp phải các dấu hiệu burn-out liệt kê trong bài viết, bạn có thể sẽ muốn có một người đồng hành đủ chuyên môn và thấu hiểu để cùng bạn khắc phục tình trạng này. Coach For Life mời bạn tham khảo Executive Coaching - Chương trình Khai vấn dành riêng cho nhóm quản lý lãnh đạo hướng tới mục tiêu nâng cao tiềm năng nhân sự, cân bằng công việc & cuộc sống, phát triển đội ngũ lãnh đạo kế cận giàu tiềm năng.
Comments