Tại Coach For Life (CFL), sự chuyển hoá của khách hàng luôn là điều chúng tôi trân quý nhất. Với bất cứ học viên, khách hàng nào tìm đến CFL, chúng tôi đều đặt lòng tin tưởng tuyệt đối rằng, các bạn có trong mình những tiềm năng rất lớn. Công việc của CFL chỉ là đồng hành để giúp bạn khai phá trọn vẹn những tiềm năng ấy.
Trong suốt 5 năm xây dựng CFL, không thể đếm hết số lần chính thành viên của CFL được truyền cảm hứng từ những câu chuyện thành công của khách hàng. Đó là lý do để CFL xây dựng tuyến bài #CoachTalk – nơi chúng tôi tìm về những học viên/ coachee cũ, để tìm hiểu xem coaching đã đem đến những thay đổi cụ thể nào trong cuộc sống của họ.
Nhân vật đầu tiên trong tuyến bài này là Coach Dương Cao – Học viên K4 Chương trình đào tạo Khai vấn 60h dành cho Lãnh đạo và Coach chuyên nghiệp, sau đó là Học viên khoá Mentor Coach K3. Coach Dương Cao có hơn 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhân sự (Human Resources) tại các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Đam mê của cô là giúp cho các khách hàng – đặc biệt là phụ nữ – có một cuộc sống cân bằng, bình an, hạnh phúc hơn. Gần đây, cô đã cho ra mắt gói dịch vụ “Mẹ bầu bình an” – chương trình khai vấn well-being dành cho những phụ nữ sắp làm mẹ. Cùng CFL lắng nghe những chia sẻ của của Coach Dương Cao về hành trình học và làm Coach.
1. Học coach trước hết để chuyển hoá bản thân
Điều gì khiến bạn quyết định học Coach vào năm 2019?
Trước khi biết đến coach, tôi đã có 9 năm kinh nghiệm làm nhân sự cho các tổ chức, công ty uy tín trong và ngoài nước. Trong quá trình thử nghiệm với nghề Nhân sự, tôi có lựa chọn đi sâu vào mảng C&B và dần nhận ra đó không phải là hướng đi phù hợp, bởi định hướng của tôi là tập trung vào mảng phát triển con người. Đó là một giai đoạn tương đối bế tắc trong sự nghiệp, dẫn đến sự tự ti, hoài nghi về bản thân và kéo theo rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Cũng trong thời gian này, tôi được một chị sếp cũ giới thiệu đến chị Quách Hương và trở thành coachee của chị trong nửa năm. Trong quá trình khai vấn, chị Hương giúp tôi khám phá xem bản thân mình muốn làm gì, những giá trị & thế mạnh của mình ra sao. Từ trải nghiệm này, tôi hiểu được rằng, trong tôi luôn có nhu cầu được liên tục phát triển và cống hiến, tôi luôn mong muốn công việc của mình phải tạo ra được một giá trị nào đó cho mình và người khác.
Cũng chính chị Quách Hương là người đầu tiên nói với tôi rằng có thể coaching là một công việc phù hợp với tôi. Chị Hương làm một việc mà trước đây chị chưa từng làm, đó là giới thiệu coachee đi học. Tôi đã từng nghe đến coaching cách đây nhiều năm và từng nghĩ nó là một kỹ năng dành cho lãnh đạo nên chưa phù hợp với mình, sau khi trao đổi với chị Hương rất nhiều thắc mắc và được chị giải đáp cặn kẽ, tôi quyết định đi học Coach. Nghĩ lại, cũng chính nhờ việc bế tắc ở công việc cũ, tôi mới tìm đến coaching, để khám phá bản thân & tìm ra con đường khác của mình.
Trước và sau khi học coach, bạn thấy thay đổi lớn nhất ở bản thân là gì?
Nếu nói về sự thay đổi lớn nhất, đó có lẽ là việc tôi có thể kết nối, bao dung với chính mình và những người xung quanh. Trước đây, tôi là người rất cầu toàn, luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo, vì cầu toàn nên thường xuyên tạo áp lực cho bản thân. Sau khi học coach, tôi thấy mối quan hệ với bản thân khác hẳn, tôi chấp nhận và bao dung với chính mình hơn. Tôi hiểu được rằng mỗi người đều có một tiến trình riêng, có lúc tôi đi chậm hơn người khác, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mình không có năng lực. Cũng thông qua những trải nghiệm trọn vẹn với coaching, tôi mới nhận ra rằng, khi chấp nhận và yêu thương chính mình, mình mới có thể mang lại lại giá trị cho người khác. Vì vậy, thay đổi lớn nhất có lẽ là sự chuyển hóa từ bên trong.
Với tôi, coaching như một life skill, không chỉ là một kỹ năng sử dụng trong công việc, mà là kỹ năng có thể áp dụng trong mọi tình huống trong cuộc sống. Bình thường tôi vẫn nghĩ mình là người biết lắng nghe chia sẻ, nhưng học coach rồi mới thấy thật ra mình lắng nghe chẳng đúng cách chút nào. Việc lắng nghe với tất cả sự thấu cảm, không phán xét, tôn trọng những cá tính và góc nhìn của người khác, đó là những kỹ năng vô cùng cần thiết, giúp nâng cấp chất lượng cuộc sống ở mọi mặt. Mọi người có thể tiếp cận việc học coach để làm lãnh đạo tốt hơn, còn tôi học coach trước hết để chuyển hoá bản thân, sau đó mới là tạo giá trị cho khách hàng, bởi nền tảng của coaching luôn là sự thấu cảm và tôn trọng.
2. Quyết định làm Coach fulltime, khó khăn nhất là vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân
Được biết sau khi học và làm Coach một thời gian, bạn đã từ bỏ công việc fulltime của mình. Điều gì khiến bạn đưa ra quyết định này?
Tôi từng nghĩ rằng HR là “nghề chọn mình”, là công việc mà tôi yêu thích và có thể theo đuổi trọn đời. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Đó là công việc mang đến cho tôi những kiến thức kinh nghiệm giá trị, những mối quan hệ tốt đẹp và khoản thu nhập ổn định. Nếu muốn, tôi vẫn có thể đi đều đều ổn định, việc tiếp tục theo đuổi công việc đó vẫn luôn là một phương án an toàn. Thế nhưng, thẳm sâu bên trong, tôi không cảm thấy có đủ kết nối & thách thức, không hề có sự phát triển thêm về năng lực như tôi mong muốn. Tôi luôn luôn cảm thấy một sự thôi thúc rằng đó không phải con đường mà mình nên đi tiếp.
Sau khi kết thúc khóa học Coach, tôi vẫn cho mình một khoảng thời gian làm coach part time và duy trì công việc HR của mình. Thế nhưng, tôi không thoải mái với việc không dành đủ thời gian và tâm sức cho công việc mình yêu thích khi phải cân đối với công việc hiện tại, chưa kể còn chăm lo gia đình. Mặt tích cực của giai đoạn này là càng học và thực hành coach, với những nhận thức rõ ràng về bản thân & những trải nghiệm thực tế, tôi càng tự tin Coaching chính là mảnh ghép cuối cùng trong IKIGAI của mình, là điều mình muốn toàn tâm toàn ý theo đuổi. Đó là động lực lớn nhất thôi thúc tôi phải làm điều gì đó khác đi.
Sau khi đã có được nhận thức này, tôi mới quyết định đăng ký chương trình Mentor Coach. Tại thời điểm đó, mọi thứ về nghề Coach còn rất mới, chưa rầm rộ như bây giờ. Dù yêu thích công việc coach, tôi vẫn cảm thấy rất mông lung về con đường phía trước, tôi không thể biết rằng mình có thực sự phù hợp hay có đủ năng lực không. Tham gia Mentor Coach, tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều vì có các anh chị Mentor chỉ cho mình đường đi nước bước, giúp mình có một tầm nhìn rõ ràng với những mục tiêu cụ thể hơn để rèn luyện & phát triển bản thân. Tháng 6 tôi bắt đầu học Mentor Coach, đến tháng 9 tôi quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian tâm huyết để phát triển sự nghiệp coach. Bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để đưa ra quyết định này không phải điều dễ dàng, thậm chí còn là một quyết định liều lĩnh, nhưng cho đến thời điểm này, chưa một giây phút nào tôi hối hận.
Vậy chương trình Mentor Coach đã đem lại cho bạn những giá trị cụ thể nào?
Thứ nhất là về việc phát triển năng lực làm Coach. Khung chương trình của Mentor Coach cung cấp cho học viên nhiều công cụ, kỹ năng bài bản, và rất nhiều cơ hội để thực hành; chưa kể còn được trang bị thêm những kiến thức mới mẻ về business hay personal branding.
Thứ hai là về việc duy trì động lực và cam kết với nghề Coach. Tham gia chương trình, mình có đồng đội đi cùng, có các anh chị Mentor thúc đẩy. Có giai đoạn tôi rất hoang mang, không biết mình nên làm gì, mình đã đi đúng hướng hay chưa. Tôi còn so sánh mình với các bạn học khác – những người đang đi rất nhanh, rồi lại tự thấy mình kém cỏi, thu về phán xét bản thân rất nhiều. Các anh chị Mentor nhận ra ngay là có điểm bất thường, nên quyết định dành một buổi ngồi lắng lại, để mọi người cùng chia sẻ xem mình đang ở đâu, mình đang cần được giúp đỡ như thế nào. Tôi nhớ hôm đó mình đã khóc như mưa, vì được trải lòng ra, vì thấy mọi người đang thực sự quan tâm đến mình, mọi người vẫn luôn ở đó và sẵn lòng giúp đỡ. Tôi cảm nhận mình được ở trong một môi trường học tập vô cùng tích cực, kết nối & yêu thương như một gia đình. Đồng thời, tôi cũng đóng gói được sản phẩm, có thêm nhiều khách hàng trả phí, đó là những kết quả rất rõ ràng.
Sau cùng, thành quả lớn nhất tôi nhận được là sự mạnh mẽ hơn từ bên trong. Bản thân mình mạnh mẽ thì mình mới có thể trao điều ấy đến khách hàng một cách trọn vẹn nhất. Trong suốt thời gian tham gia Mentor Coach, tôi luôn cảm thấy mình được khám phá những giới hạn bên trong, liên tục bứt phá khỏi các rào cản nội tại để đưa bản thân lên một ngưỡng phát triển mới.
Bây giờ nhìn đồng đội xung quanh, tôi sẽ không còn cảm thấy ghen tị nữa, mà thay vào đó là cảm giác trân trọng những điều họ đang làm, học hỏi những điểm mạnh và tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp họ tạo ra. Tôi cũng tự tin hơn trong việc xuất hiện ra bên ngoài, tự tin hơn khi nói về công việc và sản phẩm của mình, không còn đánh giá hay phán xét bản thân khi có những trải nghiệm không mong muốn. Tôi tin tưởng rằng hạt giống của mình sẽ đến được với những người thực sự cần.
Điều gì khiến bạn lựa chọn lĩnh vực well-being và tập trung vào nhóm khách hàng phụ nữ?
Có 3 lý do chính cho điều này. Thứ nhất là tích lũy từ chính trải nghiệm coach của mình. Tôi vẫn duy trì coach 3h/tuần với nhiều đối tượng khách hàng và thường có một bản tóm tắt sau mỗi phiên coach về các vấn đề/mục tiêu/thay đổi của khách hàng, những điều mình đã làm tốt trong phiên coach & những thứ mình có thể làm tốt hơn. Đây chính là chất liệu để khi làm việc với các anh chị Mentor về định vị thị trường, tôi có thể khoanh vùng và xác định thị trường phù hợp nhất – những khó khăn họ gặp phải là gì, giá trị mà mình có thể mang lại cho họ, đâu là những vấn đề chạm đến mình nhất và phát huy được thế mạnh, kinh nghiệm, kĩ năng của mình…
Lý do thứ hai là từ tiếng gọi bên trong tôi. Thay vì hướng ra ngoài tìm hiểu xem thị trường coach đang có những nhánh nào và phân tích xem cái nào phù hợp với mình; thì cách tiếp cận của tôi là đi vào bên trong để hiểu mình trước. Trong quá trình coach về IKIGAI, tôi biết rằng đối tượng mình muốn tác động là phụ nữ và trẻ em – hai đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trong xã hội Việt Nam hiện đại. Sau một thời gian tiếp tục đi sâu khám phá bên trong cùng sự hỗ trợ tuyệt vời của các mentor, tôi nhận ra rằng điều thực sự cốt lõi với mỗi người phụ nữ là việc kết nối và yêu thương chính mình. Không phải là nữ quyền mà là nữ tính, không phải là Empowering mạnh mẽ độc lập mà là Well-being trọn vẹn đủ đầy. Tôi muốn cùng đồng hành những người phụ nữ quay về kết nối và yêu thương bản thân, tự tin là chính mình và tỏa sáng theo cách của họ; giống như cách tôi đã làm được với chính mình. KẾT NỐI – YÊU THƯƠNG – TỎA SÁNG cũng là thông điệp chính trong gói coach BeYOUtiful của tôi.
Yếu tố thứ ba là việc nắm bắt cơ hội từ trải nghiệm bản thân. Tôi mang bầu khi vừa nghỉ làm để bắt đầu công việc coach. Tôi từng lo rằng liệu đây có phải rào cản không khi mình đang trong giai đoạn cần bứt phá trên con đường này; nhưng khi thay đổi góc nhìn, tôi lại thấy đây là một món quà tuyệt vời. Tôi cho rằng mình hoàn toàn có thể tạo giá trị cho khách hàng từ chính trải nghiệm thật, từ chính cách tôi cân bằng và chăm sóc sức khỏe thể chất & tinh thần trong thời kỳ mang bầu. Từ trải nghiệm làm mẹ, tôi luôn tin rằng, chỉ khi mẹ hạnh phúc và an ổn thì mới nuôi dưỡng được những em bé hạnh phúc ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Với những người phụ nữ mang bầu và sau sinh, họ là một trong những đối tượng nhạy cảm nhất, và cũng là đối tượng mà bản thân tôi có nhiều kết nối nhất. Khi nhìn nhận lại tất cả mọi việc, tôi cảm thấy mọi thứ xảy ra đều có lý do, tất cả tạo nên một bức tranh rất hợp lý tại thời điểm hiện tại.
Nắm lấy những cơ hội này, tôi đưa gói sản phẩm Mẹ bầu bình an ra thị trường, cảm thấy nó rất sát sườn, là lĩnh vực mình có thể tạo ra nhiều giá trị, mà lại là một thị trường ngách mà ở Việt Nam chưa ai làm. Điều này vừa là một thách thức vì mình sẽ không có ai để học hỏi. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội để mình có thể phát huy sáng tạo & thử nghiệm với tất cả những gì mình có.
Trong quá trình làm việc với các khách hàng đầu tiên, tôi nhận thấy những phụ nữ hiện đại khi sắp làm mẹ đều rất chủ động trang bị kiến thức mang thai & nuôi dạy con để có thể mang lại những điều tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên chính điều này lại mang đến cho họ nhiều áp lực. Áp lực từ môi trường xung quanh khi hiện nay có quá nhiều tư tưởng hay lý thuyết nuôi dạy con trái chiều; từ những bất đồng quan điểm giữa các thế hệ trong gia đình; từ việc cân bằng cuộc sống & công việc sau khi làm mẹ; hay nhiều khi là những áp lực tự tạo ra khi so sánh mình với những hot mom khác trên mạng xã hội và lo rằng mình sẽ là một người mẹ không đủ tốt. Những áp lực này tích tụ sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cả mẹ và em bé. Tuy nhiên, tôi tin rằng phía sau những nỗi sợ ấy là rất nhiều yêu thương.
Qua quá trình coach, các khách hàng của tôi đã có thể vượt qua những nỗi sợ này thông qua việc quay về kết nối với bản thân, hiểu rõ những giá trị và niềm tin cốt lõi của họ trong việc làm mẹ, nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất; từ đó có thể thực sự tận hưởng hành trình làm mẹ như một món quà đầy yêu thương.
3. Kiên định với con đường làm Coach theo tiêu chuẩn quốc tế
Theo bạn, làm Coach ở Việt Nam đang có những thuận lợi và khó khăn gì?
Nghề coach ở Việt Nam còn rất mới. Điều này vừa là điểm thuận lợi, vừa là điểm khó khăn. Vì là một thị trường mới, chúng ta sẽ còn rất nhiều “đất” để phát triển, có nhiều thị trường ngách để lựa chọn. Cũng vì thị trường mới, xu hướng chắc chắn sẽ đi lên và tương lai có nhiều hứa hẹn. Một điểm thuận lợi khác là ở Việt Nam ít nhiều cũng đã có những anh chị đi trước, như anh Công cũng đã làm nghề được hơn 10 năm, chị Quách Hương, chị Quách Hiền cũng đã có 5-6 năm kinh nghiệm. Họ đã trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, vì vậy có thể đồng hành và dẫn dắt mình đi trên con đường này. Các hội nhóm về coach cũng hoạt động nhiều và tích cực hơn, mình có sân chơi để duy trì đam mê và cơ hội kết nối trong công việc, chứ không đơn độc một mình.
Nhưng đồng thời với đó, vì lĩnh vực này còn mới, quá trình giáo dục thị trường sẽ gian nan hơn. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn có tư duy e ngại khi đi gặp bác sĩ tâm lý. Với coach cũng vậy. Việc mình giải thích cho mọi người hiểu được coaching là gì, coaching có thể giúp họ như thế nào, họ có thể sử dụng coaching ra sao để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn,…tất cả điều đó chúng ta đều phải nói lại từ đầu. Nhưng thật ra trong vòng một năm trở lại đây, tôi thấy mọi người cũng bắt đầu cởi mở và có hiểu biết hơn về nghề coach, đó là những dấu hiệu tích cực.
Khó khăn thứ hai là hiện nay có quá nhiều người nhận mình là coach, thậm chí có những người chẳng có bằng cấp chứng chỉ nào. Điều này khiến thị trường bị rối, mọi người không thực sự hiểu coach là gì, hay thậm chí có những trải nghiệm không tốt với coaching. Bản thân tôi vẫn luôn kiên định theo đuổi coach theo chuẩn quốc tế, việc đó sẽ định vị bản thân trên thị trường một cách chuyên nghiệp và chính thống hơn. Và tôi cũng mong rằng, những người làm coach có tâm, có tầm, có chứng chỉ quốc tế chuyên nghiệp thì nên xuất hiện nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn để mọi người thực sự hiểu rõ về những điều chúng ta đang làm.
Nếu như gặp một người mới bước chân vào hành trình làm Coach và đang có rất nhiều mông lung lo lắng, bạn sẽ muốn chia sẻ điều gì?
Trước tiên, tôi sẽ nói với họ rằng việc lo lắng mất niềm tin là điều ai cũng sẽ gặp phải, không phải một mình họ đang cảm thấy như vậy. Thế nhưng, nhiều khi điều mình sợ nhất lại là điều mình cần làm “What we fear doing most is usually what we most need to to” – đó là câu tôi vẫn thường nghĩ đến khi thấy trong mình có sự lo lắng sợ hãi. Đôi khi, những nỗi sợ xuất hiện chỉ để nói với mình rằng đây đúng là thứ mình cần làm, là thứ mình cần theo đuổi. Những lúc như vậy, hãy làm việc với bản thân và tự đặt câu hỏi rằng: Vì sao mình bắt đầu hành trình này? Công việc này có ý nghĩa gì với bản thân mình? Lo lắng là điều bình thường, chỉ cần các bạn đủ bình tĩnh để lắng nghe tiếng gọi bên trong, hiểu được đâu là giá trị mình đang theo đuổi. Con đường làm Coach full-time này sẽ rất gập ghềnh, cá nhân tôi cho rằng phải làm ít nhất 3 năm để xem có thể sống được với nghề hay không. Trong suốt 3 năm ấy, việc duy trì động lực, nhận ra những rào cản tâm lý và vượt qua chúng là điều rất quan trọng.
Thứ hai là cần liên tục trau dồi bản thân, thay vì chỉ ở đó lo lắng suy nghĩ là mình không làm được. Thiếu cái gì thì bổ sung cái đó, liên tục học để phát triển bản thân. Ngoài kiến thức về coach, bạn cũng cần trau dồi thêm về mảng chuyên môn. Coach về tài chính thì cần học thêm về chuyên môn tài chính, Coach về nghề nghiệp cũng cần tự phát triển thêm ở lĩnh vực này,… Hay những kiến thức về phát triển business, xây dựng thương hiệu cá nhân, sử dụng công nghệ… cũng là những kiến thức cần trang bị khi theo đuổi nghề coach full-time.
Cuối cùng là hãy cởi mở hơn trong việc yêu cầu sự giúp đỡ. Để đi được trên con đường này, bạn sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp của người khác. Lo lắng không chỉ diễn ra ở giai đoạn đầu, những vấn đề mới sẽ tiếp tục xuất hiện. Mỗi khi cảm thấy bế tắc, cảm thấy hoang mang lo lắng, hãy nhớ rằng bạn không cần phải đối mặt với tất cả những vấn đề này một mình. Bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của các anh chị mentor, những người đồng đội đang làm nghề Coach, hay từ chính những người thân trong gia đình. Đừng tự thu mình về bên trong, rồi luẩn quẩn với những vấn đề của riêng mình. Bản thân coach cũng là một con người bình thường, coach cũng cần được coach.
Cảm ơn Coach Dương Cao với những chia sẻ vừa rồi. Coach For Life chúc bạn luôn vững vàng trên con đường sắp tới.
Mentor Coach là chương trình phát triển nghề Coach toàn diện đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng bởi Coach For Life và Vietnam Coaching Institute. Trong 9 tháng tham gia chương trình, học viên sẽ được dẫn dắt bởi các Coach dày dặn kinh nghiệm với chứng nhận PCC (Professional Certified Coach), được cung cấp kiến thức, kỹ năng và tâm thế cần có của một người Coach chuyên nghiệp.
Đồng thời, với triết lý Be an Authentic and Transformational coach, chương trình tạo điều kiện để học viên đi sâu vào hành trình khám phá bản thân, vượt qua những rào cản giới hạn, xây dựng sự vững vàng nội tại, từ đó tự tin mang đến thật nhiều giá trị cho khách hàng. Chương trình Mentor Coach K5 đang mở tuyển sinh và sẽ khai giảng khóa mới vào 21/09/2021. Bạn có thể tham khảo thông tin tại đây: https://coachforlife.vn/mentorcoach-k5/
Comments