top of page

Coach Yến Lê – Nếu “being resilient”, mọi người có thể vững vàng an yên bất kể mọi thách thức

Đã cập nhật: 23 thg 5, 2022


Đến với nghề Coach, mỗi người sẽ có một lộ trình và timeline cho riêng mình. Quan sát hơn 200 học viên sau khi hoàn thành Khóa học 60h, chúng tôi nhận thấy rất rõ những sự khác biệt đó. Có những Coach nhanh chóng có những bước tiến mạnh mẽ sau ngay khóa học. Có những Coach dành nhiều thời gian chuyển hoá bên trong, tìm hiểu sâu về ngách coach & hoàn thiện sản phẩm trước khi giới thiệu dịch vụ tới cộng đồng.


Đến với bài viết số 3 thuộc chuỗi bài #CoachTalk, chúng tôi muốn giới thiệu Coach Yến Lê – Học viên K7 Chương trình Đào tạo 60h dành cho Lãnh đạo & Coach chuyên nghiệp, sau đó là chương trình Mentor Coach K3. Coach Yến Lê dành một năm rưỡi sau khi hoàn thành khóa học 60h để đầu tư học chuyên sâu về năng lực coaching, về phát triển sản phẩm coach phù hợp với nhu cầu khách hàng cũng như về ngách coach mà mình theo đuổi. Coach Yến Lê là ví dụ cho hành trình chiêm nghiệm, tự chuyển hóa và hoàn thiện trước khi xuất hiện trên thị trường.


Sau khi ứng dụng trên 30 khách hàng với hơn 180 giờ coach, Coach Yến Lê đã ra mắt chương trình huấn luyện Resilient Leader. Chương trình giúp các nhà quản lý xây dựng tính kiên cường, làm mạnh nội lực cũng như tạo ra thay đổi tích cực cho đội ngũ, nhờ đó họ có thể đạt được thành công trong an vui và mãn nguyện trong dài hạn. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Coach Yến Lê để hiểu hơn về hành trình “chậm mà chắc” cô đã đi qua nhé!


1. Nhờ Coach, tôi có cơ hội để gắn kết sâu sắc hơn với những người xung quanh


Bạn bắt đầu tìm đến coaching như thế nào?


Tôi có đam mê trong việc hỗ trợ mọi người và giúp họ đạt được các mục tiêu cá nhân. Tôi đã là một cố vấn nghề nghiệp (career mentor) phi lợi nhuận cho các bạn sinh viên năm cuối đại học trong suốt 5 năm và vô cùng hạnh phúc vì chứng kiến sự chuyển hóa mạnh mẽ của nhiều bạn. Tới năm 2020, tôi thấy rằng mình cần cập nhật thêm kỹ năng chuyên môn để có thể mở rộng sự hỗ trợ này tới nhiều bạn trẻ hơn, ở thời điểm sớm hơn, tạo những tác động mạnh mẽ hơn. Đó là lý do đầu tiên khiến tôi quyết định học coach tại Coach For Life.


Tuy nhiên, sau quá trình học và khi có cơ hội bước chân vào thế giới coaching, tôi nhận ra coaching có ý nghĩa hơn như vậy rất nhiều. Tại thời điểm cuộc sống cá nhân và công việc có nhiều thay đổi, coaching giúp tôi soi chiếu bản thân & mạch lạc hơn trong các bước đi của mình.


Cùng lúc đó, tôi cũng nhận ra nhiều tiềm năng nghề coach và cơ hội để mình phát triển trong lĩnh vực này. Theo Liên đoàn Khai vấn Quốc tế (ICF), với quy mô thị trường ước tính sẽ đạt 20 tỷ USD vào năm 2022, coaching là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng hiện mới có khoảng 71,000 coach trên toàn thế giới. Và số lượng coach còn rất rất ít ở Việt Nam.


Năm tôi học 2020 là lúc đại dịch COVID bùng phát, mọi người rất hoang mang với nhiều biến cố chưa từng có. Tôi cũng nghĩ rằng sau đó sẽ còn nhiều người cần được nâng đỡ, chia sẻ hơn nữa. Với trải nghiệm sẵn có và nền tảng chuyên môn coaching cao hơn, tôi thêm hào hứng vì tin rằng mình sẽ hỗ trợ mọi người tốt hơn.


Điều bạn thích nhất ở nghề Coach là gì?


Tôi nghĩ rằng ai cũng tìm được nhiều giá trị từ coaching. Trước hết, với tôi, coaching là một công cụ để tôi tự khám phá, tự quản lý, tự phát triển chính mình. Tôi có cơ hội được nhìn nhận và thấu hiểu về bản thân, từ điểm mạnh & điểm yếu, nỗi sợ & động lực bên trong, những niềm tin trước giờ đang trói chân mình. Tôi thấy mình có thêm những kỹ năng mà tôi hay gọi đùa là ‘superpower’ để tự quản trị bản thân theo các giá trị và mục tiêu cuộc sống của mình.


Điều hay là không cần phải hành nghề mới có thể áp dụng được kỹ năng này, mà có thể ứng dụng trong mọi tình huống hàng ngày, giải quyết xung đột, quản lý nhân sự, thậm chí cả dạy con. Coaching khơi gợi được rất nhiều tư duy, suy nghĩ mới mẻ mà bình thường mình có thể không bao giờ nghĩ tới.


Sống với tư duy coaching, tôi cũng thấy nó mang lại nhiều giá trị đặc biệt cho cả các mối quan hệ xung quanh mình. Khi đã hiểu về tâm lý, về cách đặt câu hỏi, cách lắng nghe, sử dụng trực giác, cách khơi gợi giải pháp,… các cuộc trò chuyện thông thường cũng trở nên sâu sắc hơn. Trong những lần đầu tiên đọc chia sẻ ở form đăng ký từ coachee của mình, tôi thường xuyên cảm thấy xúc động trước những chia sẻ của mọi người. Đó có thể là một người bạn cũ, một em nhân viên cũ, một người đồng nghiệp ngay tại văn phòng mình, nhưng chưa bao giờ tôi biết đến những trăn trở hay nỗi buồn mà họ chia sẻ để được coach với tôi.


Khi coach, tôi có cơ hội được tiếp xúc rất gần với những vấn đề của họ và có sự cởi mở, thấu hiểu, cũng như kỹ năng chuyên môn để hỗ trợ họ. Và điều kỳ diệu nhất là, sau những phiên coach như vậy, các mối quan hệ ấy thường trở nên ấm áp & thân gần hơn. Nó giống như hai người bạn biết ‘bí mật’ của nhau vậy! Nhờ coach, tôi có những kết nối sâu sắc hơn với trước hết là những người xung quanh và sau đó là các khách hàng của mình.


2, Tôi phải học cách vượt qua tư duy cầu toàn của chính mình


Được biết sau khoá học 60h, bạn tiếp tục theo học chương trình Mentor Coach. Đây có phải thời điểm bạn quyết định theo đuổi nghề Coach một cách chuyên nghiệp?


Tại thời điểm học xong khoá 60h, tôi hiểu được rằng đây là khoá học nền tảng “vỡ lòng” để một người bình thường có thể hiểu và thực hành kỹ năng coaching một cách cơ bản. Khoá học Mentor Coach sau đó như một bước tiến để tôi nắm rõ hơn về kỹ năng theo chuẩn ICF, có thêm thời gian ứng dụng & trải nghiệm thực tế. Cụ thể, sau khi hoàn thành khóa học Mentor Coach, tôi đã tự tin nhanh chóng nộp hồ sơ thi lấy chứng chỉ ACC. Với việc có sự đồng hành của hai chị Mentor Coach tại Coach For Life, tôi có thêm nhiều góc nhìn thực tế trong nghề và yên tâm có kinh nghiệm của người đi trước.


Tôi tự nhận cầu toàn vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm của mình. Nhưng dần theo thời gian, tôi hiểu rằng điều cần nhất là phải hoàn thành để xuất hiện đã. Vì việc hoàn thiện sẽ là một hành trình dài liên tục và chẳng bao giờ có sự tiến bộ nếu không có phản hồi. Các dấu mốc sau khi hoàn thành chương trình Mentor Coach, là việc hoàn thành hồ sơ thi ACC, ra mắt chương trình Resilient Coach, tôi xem đó như hoàn thành cam kết với bản thân mình. Các cam kết mới của tôi là liên tục hoàn thiện và liên tục phát triển các chương trình huấn luyện của mình.


Giá trị bạn nhận được từ khóa học này là gì?


Giai đoạn đầu khoá học, tôi có phần rón rén, dò dẫm. Nó cũng là thói quen cẩn trọng quản trị rủi ro, trước bất cứ thứ gì mới, tôi cũng rất thận trọng xem xét chứ không có chuyện ‘máu’ là làm liền.


Tôi vẫn nhớ đến buổi học thứ 9, chị Quách Hương có báo rằng chỉ còn 3 buổi học nữa là kết thúc Mentor Coach, lúc đó tôi mới giật mình và bắt đầu lo lắng rằng mình có thể rớt khỏi mục tiêu đã đề ra. Tôi thậm chí còn “đòi” các chị cho học lại, để có một “mỏ neo” tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình (cười). Lúc đó tôi nghĩ, rõ ràng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho việc học coach chuyên nghiệp. Bản thân mình có nhiều thế mạnh, kinh nghiệm mentoring đã rất dày dặn. Công việc coach cũng phù hợp với con người mình. Nếu như không bắt đầu bây giờ, không biết khi nào tôi mới đạt đến trạng thái thực sự hoàn thiện hay hoàn hảo để bắt đầu.


Đến giai đoạn sau của Mentor Coach, khi bắt đầu “tăng tốc”, tôi hấp thụ hết các giá trị, nhanh và sâu hơn giai đoạn trước rất nhiều. Không chỉ là kiến thức công cụ để học viên có thể đạt được chứng chỉ ACC, lớp Mentor Coach còn cho chúng tôi nhiều cơ hội thực hành làm mạnh năng lực và một cộng đồng mạnh mẽ, nghiêm túc cùng chí hướng phát triển trong nghề.


Ở những buổi cuối cùng, khi tôi lần đầu tiên chia sẻ về mong muốn đi sâu vào mảng Resilient Coaching, tôi cũng được chị Quách Hương, Quách Hiền ngỏ ý mời hợp tác, bởi đó trùng hợp cũng là một lĩnh vực mà Coach For Life mong muốn mở rộng thêm trong thời gian tới. Việc này cũng mở ra cho tôi một cơ hội mới, động lực mới, khi được làm việc cùng những người vốn là “thầy” của mình.


Quay lại giai đoạn đầu khóa học, điều gì khiến bạn chưa có hành động mạnh mẽ ngay?


Tôi nghĩ lý do thứ nhất là tư duy cầu toàn. Tôi có motto là “Don’t tell. Just show” (Đừng nói. Hãy làm đi). Tôi thường nghĩ rằng mình phải thực sự có trải nghiệm mới tự tin chia sẻ hay ứng dụng cho người khác.


Thứ hai là tôi thấy thị trường đang có rất nhiều Coach, ai cũng nhận mình là Coach. Có nhiều người làm coach rất bài bản, chuyên nghiệp và thực sự tâm huyết. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, có những người nhận làm coach nhưng thực ra để tổ chức đội nhóm cho các mục đích thương mại hoặc cá nhân. Điều này làm sai lệch bản chất của nghề coach và có phần khiến tôi thận trọng khi nói về mình. Tôi muốn mình có một quá trình “launching” bản thân từ từ và thuyết phục, nên tôi thực sự không quan tâm tới yếu tố thời gian lắm.


Thứ ba, làm trong ngành truyền thông tiếp thị, tôi cũng luôn tin rằng khi go-to-market, sản phẩm phải tốt thực sự và có ý nghĩa, những thứ khác như thương hiệu, marketing… có thể điều chỉnh dần. Nếu coi mình như một thương hiệu hay sản phẩm sắp ra thị trường, tôi muốn mình R&D thật chỉn chu và hoàn chỉnh nhất có thể trong khả năng của mình trước khi đến tay khách hàng.


Cuối cùng, là tôi vẫn còn yêu nghề truyền thông thương hiệu doanh nghiệp và có chỗ đứng nhất định về chuyên môn, nên tôi cũng đang dành thời gian cho các khách hàng truyền thông của mình. Trong khi nhiều bạn trong lớp Mentor Coach đã hành động mạnh mẽ, có bạn còn nghỉ việc để theo đuổi nghề coach toàn thời gian và thật sự các bạn đều đang làm rất tốt, thì tôi tìm điểm cân bằng và bổ trợ qua lại giữa hai bên.


3, ‘Resilient Leader’ – Một hành trình nhiều ý nghĩa với coaching


Gần đây, bạn có giới thiệu đến cộng đồng chương trình Resilient Coaching. Bạn có thể chia sẻ thêm về định hướng này của mình?


Gần hai năm trước, khi quyết định nghỉ việc ở công ty, lý do lớn nhất là vì tôi cảm thấy quá mệt. Sắp xếp lại cuộc sống gia đình, cùng lúc với việc đảm bảo doanh thu của doanh nghiệp, xử lý các yêu cầu của khách hàng, xử lý khủng hoảng, đáp ứng kỳ vọng của nhân viên, tất cả những điều này thường xuyên khiến tôi cảm thấy quá tải. Chuyện thắng pitch, khách vui tin cậy, khách cũ thường xuyên mời làm việc cùng vẫn thường làm tôi hân hoan tới mức khó ngủ, nhưng không thắng nổi việc cảm thấy kiệt sức.

Tôi vẫn thường tự hỏi chẳng hiểu sức mạnh nào mà tôi làm được ngần ấy việc cùng lúc. Sau này học hành, nghiên cứu nhiều hơn về Coaching, EQ, tôi thấy mình đã làm được ngần ấy việc vì:

  • Luôn trong trạng thái tìm giải pháp cho các tình huống xấu (thay vì đắm chìm trong phiền não).

  • Cố gắng dọn dẹp các cảm xúc tiêu cực, tìm cách duy trì trạng thái năng lượng cao, tích cực.

  • Tư duy mở, học hỏi thay vì đổ lỗi. Biết ơn với những trải nghiệm mình có.

  • Kết nối với những người bạn tử tế, tích cực, giỏi giang, có nhiều điểm để mình học tập.

  • Luôn cố gắng nuôi dưỡng, nỗ lực giúp đỡ cho người khác, bạn bè, nhân viên, đảm bảo sự phát triển của từng cá nhân, thay vì chỉ nghĩ đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngày ấy tôi không đủ cái nhìn sâu sắc để biết gọi tên được những năng lực này, chỉ biết dựa vào bản năng, không có ý thức hay concept cụ thể để bấu víu vào. Bây giờ thì tôi biết chắc chắn rằng: cái mà mình gọi là ‘bản năng’ này, là thứ hoàn toàn có thể luyện tập và ai cũng có thể luyện tập.


Cũng giống việc bất kỳ ai cũng có thể có cơ bắp nhờ việc tập gym, bạn cũng hoàn toàn có thể “being resilient” – trở kiên cường hơn, nếu biết đến nó và luyện tập nó. Và khi có nó rồi, bạn có thể vững vàng an yên bất kể mọi thách thức trong công việc & cuộc sống.


​​Là người từng làm nhiều năm trong môi trường corporate, nhất là trong ngành mà tôi đang làm việc là truyền thông sáng tạo, tôi chứng kiến và hiểu được áp lực của những người quản lý lãnh đạo, những người luôn mong muốn khẳng định bản thân trong một thế giới sôi động nhưng đầy cạnh tranh và áp lực. Vì vậy, tôi rất tâm huyết xây dựng chương trình huấn luyện Resilient Leader dành cho cấp quản lý và những cá nhân muốn có một lộ trình sự nghiệp viên mãn. Chương trình giúp các nhà quản lý xây dựng tính kiên cường, làm mạnh nội lực cũng như tạo ra thay đổi tích cực cho đội ngũ, nhờ đó họ có thể đạt được thành công trong an vui và mãn nguyện trong dài hạn, bất chấp ngoại cảnh.


Trong năm 2022 sắp tới, bạn ấp ủ những dự định nào cho chương trình Resilient Leader này nói riêng và công việc coaching nói chung?


Trong năm 2022, tôi mong muốn chương trình Resilient Leader có thể đến với nhiều khách hàng hơn. Bởi tôi có một niềm tin rất lớn rằng với các chủ đề mà khách hàng của mình được tiếp cận trong chương trình huấn luyện, họ sẽ không chỉ hạnh phúc mãn nguyện hơn trong đời sống cá nhân, mà còn lan tỏa những ảnh hưởng tích cực tới cả đội ngũ mà họ dẫn dắt.


Tôi sẽ liên tục hoàn thiện chương trình huấn luyện 1:1. Thực tế là bản ra mắt của Resilient Leader năm 2022 đã được nâng cấp 90% so với bản đầu tiên hồi giữa năm 2021. Ngoài ra, tôi cũng đang lên kế hoạch mở các chương trình đào tạo ngắn về Resilient Leadership để các nhà quản lý cấp trung có thể bước đầu nhanh chóng tiếp cận với chủ đề trước khi tham gia các chương trình huấn luyện chuyên sâu.


Điểm thú vị nữa là khi trong tôi có sự kết hợp của chuyên môn coaching & truyền thông, tôi có cơ hội tư vấn cho các lãnh đạo doanh nghiệp về vấn đề gắn kết nhân sự. Với sự thấu hiểu con người, hiểu tư duy & cách thức giúp cho mọi người hạnh phúc và thỏa mãn hơn ở nơi làm việc, tôi giúp lãnh đạo doanh nghiệp dần thấu hiểu hơn về nhân sự của mình. Họ dần thay đổi cách tiếp cận với nhân viên, điều chỉnh văn hóa doanh nghiệp, có các giải pháp nhân sự và truyền thông làm tăng trải nghiệm & mức độ gắn kết của nhân viên. Tôi đã có khách hàng doanh nghiệp với hơn 6.000 nhân viên. Một số khách hàng cá nhân hiện giờ của tôi là chủ doanh nghiệp SMEs cũng đang trong các lộ trình huấn luyện ở chủ đề này. Trong tương lai, song song với chương trình Resilient Leader, tôi cũng mong muốn thiết kế các chương trình huấn luyện và tư vấn chuyên sâu hơn trong mảng này.


Cảm ơn Coach Yến Lê và chúc bạn luôn vững vàng trên chặng đường phía trước.


Kommentare


bottom of page