top of page

6 thói quen của người đồng cảm giúp bạn xây dựng các mối quan hệ sâu sắc hơn

Đã cập nhật: 21 thg 12, 2023

Sự đồng cảm cho phép người lãnh đạo xây dựng cộng đồng, có nhiều cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn và giúp giảm bớt cảm giác cô đơn. Giao tiếp với sự đồng cảm đem lại tác động hai chiều: Ta hiểu rõ hơn về những gì đối phương trải qua khi nhìn thấy mình trong câu chuyện của họ, đồng thời cảm thấy được thấu hiểu và an toàn khi chia sẻ.


Một nghiên cứu cho thấy con người đang ngày càng trở nên ít đồng cảm hơn. Khi hầu hết sự tương tác diễn ra qua nền tảng trực tuyến, chúng ta có xu hướng ưu tiên sở thích của mình và cảm thấy khó kết nối với người khác. Theo đuổi chủ nghĩa cá nhân không xấu. Bạn hoàn toàn có thể vừa học cách yêu thương, trân trọng mục tiêu của bản thân, vừa xây dựng và kết nối sâu hơn với cộng đồng bằng việc thực hành 6 thói quen của người đồng cảm trong bài viết hôm nay.

Mục lục


một nhóm bạn đang trò chuyện và thể hiện sự đồng cảm

Đồng cảm là gì?

Người đồng cảm là người có khả năng thấu hiểu quan điểm của người khác thông qua việc đặt mình vào vị trí của đối phương để trải nghiệm sâu sắc những gì họ trải qua, giúp họ kết nối với đối phương ở mức độ sâu sắc hơn bao giờ hết.

Những giả thuyết đầu tiên về sự đồng cảm cho rằng đây là một đặc tính bẩm sinh. Tuy nhiên trong suốt thế kỉ 20, những nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thần kinh học đến nhân chủng học đã chứng minh rằng sự đồng cảm có thể được hình thành thông qua rèn luyện.

một nhóm các nhà lãnh đạo đang ngồi cạnh hồ bơi và trò chuyện với sự đồng cảm

Các loại đồng cảm

Các nhà tâm lý học đã chỉ ra ba hình thức đồng cảm đáng để thực hành:

1. Đồng cảm về cảm xúc

Đồng cảm về cảm xúc là việc bạn có cảm xúc tương tự với đối phương dù không trải qua tình huống như họ. Khi chúng ta nhìn thấy một người đang trải qua nỗi đau hoặc niềm vui, não bộ chúng ta sẽ kích hoạt những dây thần kinh vận động và giác quan giống như người chúng ta đang quan sát, khiến chúng ta vô thức bắt chước ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của họ.

Sự “bắt chước” này mang đến cả tác động tích cực và tiêu cực. Một mặt, đồng cảm về cảm xúc tạo điều kiện để ta gắn kết các mối quan hệ xã hội thông qua việc . Mặt khác, nếu cảm xúc bạn “bắt chước” là những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, hoảng sợ hoặc lo lắng tột độ, bạn có thể dần trở nên né tránh hoặc ngắt kết nối với người bạn đang bắt chước.

2. Đồng cảm về nhận thức

Đồng cảm về nhận thức là khả năng “nhận biết cảm xúc”, hay thường được hiểu là “thấu cảm”. Đồng cảm về nhận thức cho phép chúng ta xác định được trạng thái cảm xúc của người khác.

Hãy thử tưởng tượng bố người yêu của bạn vừa qua đời. Khi nhìn biểu hiện của người yêu, bạn xác định được cảm xúc của cô ấy/ anh ấy là đau buồn, mất niềm tin và cô đơn. Khi bạn gọi tên được cảm xúc của đối phương, thì dù chưa từng trải qua cảm giác mất đi người thân, bạn vẫn có thể tìm về những trải nghiệm khác đã cho bạn những cảm xúc tương tự và đồng cảm với họ.

Giống như đồng cảm về cảm xúc, đồng cảm về nhận thức cũng mang đến cả kết quả tích cực và tiêu cực. Việc hồi tưởng lại những cảm xúc bạn từng trải qua giúp bạn phá bỏ rào cản khác biệt hoàn cảnh và an ủi người khác tốt hơn. Điều này cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao mong muốn giúp đỡ người khác khi chứng kiến chuyện bất bình, thúc đẩy thay đổi xã hội theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, sự đồng cảm về nhận thức có thể bị lợi dụng khi đối phương muốn thao túng cảm xúc nhằm khiến ta đồng cảm và đứng về phía họ.

3. Đồng cảm trắc ẩn

Đây là dạng đồng cảm chủ động và tích cực nhất. Cũng mang những đặc điểm tương tự như hai dạng trên, nhưng thay vì chỉ cảm thấy đồng cảm, lòng trắc ẩn còn thúc đẩy chúng ta hành động để cải thiện hoàn cảnh của ai đó.

Ví dụ bạn phát hiện ra một người vô gia cư đang ngủ bên ngoài tòa nhà công ty bạn. Bạn cảm thấy lạnh khi nhìn họ co ro (đồng cảm về cảm xúc), đôi khi sẽ thấy cảm thông với sự thiếu an toàn mà người ấy đang trải qua khi nhớ về những trải nghiệm đem lại cảm xúc tương tự thời thơ ấu (đồng cảm nhận thức). Nhưng lòng trắc ẩn không cho phép bạn dừng lại tại đó, mà sẽ thôi thúc bạn đứng dậy cho người vô gia cư chút tiền, quần áo ấm hay đơn giản là chỉ cho họ tới một nơi trú ấm áp, an toàn hơn mà bạn biết.

Vì sao đồng cảm lại quan trọng?

Những mối quan hệ bền chặt thường được bắt đầu và vun đắp bằng sự đồng cảm. Khi người lãnh đạo mở lòng sẻ chia về những trải nghiệm, nhu cầu hay khát khao, ta sẽ dần hình thành sự kết nối, thúc đẩy hợp tác với cấp dưới và trở nên hạnh phúc hơn.

một nhóm các nhà lãnh đạo đang trao đổi và ghi nhận ý kiến với sự đồng cảm

Dưới đây là 3 lí do vì sao người lãnh đạo nên rèn luyện khả năng đồng cảm:

1. Sự đồng cảm là khởi nguồn của các mối quan hệ lành mạnh

Sự đồng cảm là chìa khóa dẫn chúng ta đến với những mối quan hệ khăng khít, lành mạnh thông qua việc lắng nghe không phán xét, cởi mở đón nhận những góc nhìn hay trải nghiệm của đối phương và phản hồi bằng cảm xúc chân thành. Khi người lãnh đạo tiếp cận nhân viên của mình bằng sự đồng cảm, ta sẽ hiểu lí do đằng sau mỗi quyết định hay hành động của họ trong các tình huống khác nhau, đồng thời học cách đối xử với họ bằng cách tích cực.

2. Sự đồng cảm giúp ta chấp nhận sự khác biệt

Việc chấp nhận con người thật của ai đó, bỏ đi định kiến và tập đặt mình vào vị trí của đối phương là cơ hội tốt để người lãnh đạo học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, thái độ sống từ nhiều kiểu người, từ đó nâng cao nhận thức về bản thân nhanh hơn. Cuộc sống là quá trình học tập liên tục, mỗi người xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, dù ít hay nhiều cũng đều là những “người thầy” cùng những bài học quý giá. Càng sẵn sàng mở lòng để đồng cảm với người khác và được đồng cảm, bạn sẽ càng học được nhiều. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng, không có hai câu chuyện nào có thể giống nhau hoàn toàn, bạn cần biết chắt lọc chi tiết từ câu chuyện bạn tiếp nhận và tỉnh táo xử lí cảm xúc khi lắng nghe để tránh bị lợi dụng sự cảm thông.

3. Sự đồng cảm giúp ta cải thiện sức khỏe tinh thần

Đồng cảm là việc lùi lại một bước để thoát khỏi chính những quan điểm, định kiến của chính mình và tập trung vào người khác. Khi lắng nghe một nhân viên chia sẻ về trải nghiệm khó khăn của họ, người lãnh đạo đồng cảm sẽ biết cách lắng nghe không phán xét, không vội vàng đưa lời khuyên trên quan điểm cá nhân, không trách móc hay mất tập trung khi đối phương đang nói,...

Đặt mình vào vị trí của người khác, tạm thoát khỏi thế giới nội tâm có tác dụng giúp ta giảm thiểu sự lo lắng và trở thành một người bạn, người vợ/ chồng hoặc một người con tốt hơn. Sự đồng cảm tạo dựng những mối quan hệ lành mạnh giúp ta tăng giá trị bản thân, cho phép ta thoát khỏi dự e ngại, lo âu ban đầu để hòa nhập vào bất cứ môi trường nào mà ta muốn, từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần.

6 Thói quen của người đồng cảm

Người đồng cảm thường có chung những thói quen dưới đây. Nếu muốn biết mình có đang thực hành đồng cảm trong cuộc sống hay không, người lãnh đạo có thể kiểm tra xem mình đang có bao nhiêu trong số những thói quen này. Đây cũng được coi là các nguyên tắc đồng cảm trong giao tiếp:

lãnh đạo và nhân viên đang trao đổi với sự đồng cảm

1. Lắng nghe chủ động

Lắng nghe chủ động là lúc chúng ta tập trung hoàn toàn vào việc thấu hiểu và ghi nhớ thông tin. Kỹ năng lắng nghe chủ động bao gồm các biểu hiện: Loại bỏ sự phân tâm, giao tiếp bằng mắt và bắt chước ngôn ngữ cơ thể. Cường độ tương tác trong cuộc trò chuyện càng tăng, khả năng kết nối của bạn với đối phương càng mạnh.

Ngược lại với lắng nghe chủ động là lắng nghe thụ động, hay còn được hiểu là “nghe cho có”, người nghe không thực sự quan tâm và sẵn sàng đón nhận câu chuyện của đối phương. Lắng nghe thụ động có thể được biểu hiện qua những biểu hiện: Không giao tiếp bằng mắt hay ngôn ngữ hình thể, đưa ra lời khuyên chỉ dựa vào quan điểm cá nhân, không thực sự chú ý nên không nhớ (hoặc nhớ nhầm) chi tiết câu chuyện,...

Lắng nghe chủ động là một trong những kỹ năng cần có nhất của một người lãnh đạo. Hãy tượng tượng một nhân viên dưới quyền bạn đang muốn xin lời khuyên về mâu thuẫn nơi công sở, bạn nhận thấy cô ấy/ anh ấy đang căng thẳng và khó mở lời. Một người lãnh đạo biết đồng cảm sẽ thể hiện sự đồng cảm của mình bằng việc cất điện thoại, duy trì giao tiếp bằng mắt và gật đầu ra hiệu rằng họ hiểu những gì nhân viên đang trải qua. Việc lãnh đạo tạo không gian an toàn để chia sẻ sẽ giúp nhân viên trút bỏ được gánh nặng tâm lý, sẵn sàng mở lòng nói ra vấn đề của mình.

2. Sử dụng trí tưởng tượng

Mỗi con người lại có một cuộc đời, một gia đình, một sự nghiệp hay một vòng tròn quan hệ khác nhau, dẫn đến những trải nghiệm chúng ta gặp không thể giống nhau hoàn toàn. Để đồng cảm được với người khác, bạn không chỉ cần có khả năng tự gợi lại những cảm xúc tương tự trong mình, mà còn cần sử dụng trí tưởng tượng để liên hệ với những cảm xúc hoặc trải nghiệm có liên quan. Ví dụ, dù chưa từng trải qua nỗi buồn chia tay, nhưng bạn vẫn đồng cảm được với cảm xúc của bạn mình vì khi bố mẹ bạn ly hôn, bạn cũng trải qua những xúc cảm tương tự.

Đối với những tình huống mà bạn thực sự chưa từng có trải nghiệm tương tự, hãy thử hình dung cách bạn sẽ phản ứng khi bạn ở vị trí của đối phương. Hãy luyện tập thói quen này để kết nối sâu hơn với những người có trải nghiệm khác biệt, bạn sẽ học được rất nhiều từ đó.

3. Để tâm tới những tín hiệu không lời

Chúng ta thường dựa vào những tín hiệu phi ngôn ngữ (non-verbal cues) hơn là lời nói để hiểu bản chất sâu xa của một tình huống. Đôi khi, những thứ không được nói thành lời lại là những chi tiết quan trọng nhất và cần được thấu hiểu, cảm thông nhất. Để thực sự chạm vào điều nhân viên thực sự muốn bạn biết, hãy học cách “đọc vị” những tín hiệu không lời. Những băn khoăn, trăn trở khó nói của đối phương có thể thể hiện qua tư thế, biểu cảm gương mặt, cách đối phương giao tiếp (hoặc né tránh giao tiếp) bằng mắt, tốc độ nói, âm lượng hay tông giọng khi họ kể chuyện.

Bên cạnh đó, để thể hiện sự đồng cảm tốt nhất, người lãnh đạo cũng cần chú ý tới các tín hiệu không lời của mình. Động viên nhân viên bằng một cái chạm nhẹ, một giọng nói điềm tĩnh, nhẹ nhàng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với việc khua tay và cao giọng khuyên nhủ.

hai bàn tay nắm lấy nhau nhờ sự đồng cảm

4. Giữ im lặng

Một yếu tố quan trọng để trở thành một người giỏi giao tiếp là biết khi nào nên im lặng. Mặc dù việc chia sẻ kinh nghiệm của bản thân có thể hữu ích, nhưng hãy tự hỏi rằng: “Đối phương đang cần mình khuyên nhủ hay lắng nghe?” Thông thường, vế sau mới là điều mà họ mong muốn.

Hãy chắc chắn rằng bạn không chen ngang câu chuyện của họ và đưa ra lời khuyên khi không có yêu cầu rõ ràng. Nhận lời khuyên từ người khác có thể khiến một số người, chẳng hạn như người thích làm hài lòng người khác sẽ cảm thấy bối rối và có xu hướng làm theo để không phật lòng bạn. Đó có thể đi ngược lại hoàn toàn những gì họ thật sự muốn làm, hoặc nếu đúng là điều họ cần làm, họ cũng không thể cảm thấy thoải mái khi thực hiện nữa. Lời khuyên chủ quan thường mang nặng quan điểm, định kiến của chúng ta, do đó hãy chỉ đưa lời khuyên khi cần thiết và hướng tới lợi ích tốt nhất cho người nhận.

5. Đặt câu hỏi

Việc đặt câu hỏi trong cuộc trò chuyện thể hiện bạn đang chủ động lắng nghe và thật lòng quan tâm đến hoàn cảnh của họ. Đặt câu hỏi cho đối phương làm rõ chi tiết tình huống cũng giúp bạn có thêm nhiều dữ liệu để tìm kiếm điểm chung trong trải nghiệm và cảm xúc, từ đó dễ dàng đồng cảm hơn.

Khi đặt câu hỏi, hãy tránh đưa vào đó những tiêu chuẩn hay đánh giá cá nhân mà hãy tập trung vào vấn đề của người đối diện. Dưới đây là một vài ví dụ:

  • “Giải pháp tốt nhất cho chuyện này có thể là gì?”

  • “Bạn cảm thấy thế nào khi họ nói thế/ làm thế với bạn?”

  • “Vậy ý bạn là hành động của X khiến bạn cảm thấy Y?”

  • “...”

6. Làm dịu tâm trạng trước khi phản hồi

Nếu bạn là người có khả năng đồng cảm, bạn sẽ coi trọng cảm xúc của người khác đủ để kiên nhẫn nghe họ tự giải thích, ngay cả khi việc lắng nghe ấy không hề dễ dàng.

Hãy tưởng tượng một người bạn, một thành viên gia đình hoặc đồng nghiệp chất vấn bạn về một điều bạn đã làm khiến họ khó chịu. Là một người lãnh đạo biết đồng cảm, bạn sẽ lắng nghe và đặt câu hỏi để hiểu rõ vấn đề gây nên sự bực bội cho đối phương thay vì phản ứng một cách gay gắt ngay lập tức.

Trước khi đưa ra bất cứ phản hồi nào, hãy chắc chắn bạn đã cho bản thân một nhịp nghỉ ngắn để bình ổn cảm xúc, rũ bỏ mọi sự phòng thủ gay gắt ban đầu và lắng nghe trọn vẹn bất mãn của đối phương. Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu họ cho bạn thêm thời gian xử lý thông tin và cảm xúc để giải quyết tình huống một cách đầy thấu hiểu và chân thành.

chương trình Mindful leader retreat của Coach For Life

Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn

Khi bạn học được cách đồng cảm, những người xung quanh bạn sẽ cảm thấy được quan tâm và lắng nghe. Không chỉ trao đi lòng trắc ẩn với người khác, sự đồng cảm còn giúp bạn phát triển lòng trắc ẩn với chính mình. Hãy nhớ rằng trải nghiệm của tất cả mọi người, kể cả bạn đều có giá trị như những bài học quý, đáng được chia sẻ và cảm thông.

Phát triển những thói quen của người đồng cảm cũng giúp bạn dễ dàng nhận ra những đặc điểm này ở người khác. Nếu được bao quanh bởi những người biết đồng cảm, bạn sẽ có nhiều mối quan hệ ý nghĩa hơn, cảm nhận sâu sắc cảm giác cộng đồng (sense of community) hơn - đó là điều vô giá.

Thế giới cũng như bối cảnh kinh doanh vẫn đang tiếp tục thay đổi. Để vững vàng trong dòng chảy cuồn cuộn đó, hơn lúc nào hết, người lãnh đạo cần tập trung phát triển nội lực, có sự thấu hiểu bản thân để dễ dàng kết nối với đội nhóm, cởi mở để nâng cao tư duy phát triển, cũng như có những thực hành lành mạnh để bản thân bình ổn giữa những bất ổn. Thấu hiểu điều này, Coach For Life xây dựng chương trình Mindful Leader Retreat - Hành trình trở về với chính mình. Đây là chương trình phi lợi nhuận mà Coach For Life gửi đến bạn như một món quà. Chương trình kết hợp kiến thức về trí tuệ cảm xúc, khoa học não bộ, thực hành thiền/tỉnh thức, các công cụ coaching và dựa trên nền tảng học tập tâm linh.

Comments


bottom of page